Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Nhập siêu kéo dài: tỷ giá hay cơ cấu kinh tế?

(TBKTSG) - LTS: TBKTSG giới thiệu bài viết sau của một chuyên gia trong ngành thống kê để bạn đọc tham khảo về một cách nhìn đối với vấn đề tỷ giá. Tác giả đã sử dụng những số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tính theo đô la Mỹ và theo tiền Việt Nam và theo hai loại giá (giá hiện hành và giá so sánh) để cho rằng khi làm yếu đồng tiền Việt Nam cần cân nhắc rất kỹ.

Tình trạng nhập siêu tăng liên tục từ năm 2000 đến nay rất nghiêm trọng. Tốc độ tăng bình quân hàng năm của nhập siêu về hàng hóa giai đoạn 2000-2009 tính theo đô la Mỹ khoảng 31%. Còn nhập siêu về hàng hóa và dịch vụ tính theo tiền đồng và theo giá hiện hành tăng vào khoảng 35,8% và tốc độ tăng nhập siêu bình quân năm đã loại trừ yếu tố giá giai đoạn này vào khoảng 28%. Một điều rất phải cân nhắc khi sử dụng số liệu thống kê là nhập khẩu hàng hóa được tính theo giá C.I.F, tức là đã bao gồm một phần dịch vụ, đó là dịch vụ vận tải và bảo hiểm. Từ năm 2007, dịch vụ cũng bị tình trạng nhập siêu, đó là do nhập siêu về phí vận tải và bảo hiểm. Về nguyên tắc, nhập khẩu hàng hóa phải được đo lường bằng giá F.O.B, còn phần vận tải và bảo hiểm được tính cho nhập khẩu dịch vụ, tổng của nhập khẩu như vậy vẫn theo giá C.I.F. Điều này sẽ cân đối vĩ mô và phân tích số liệu được dễ dàng hơn và tránh gây nhầm lẫn.
Tình hình nhập siêu hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh từ năm 2007. Nếu tính theo tiền đồng và giá hiện hành, nhập siêu năm 2007 tăng hơn 300% so với 2006, trong khi con số nhập siêu bình quân giai đoạn 2000-2006 chỉ tăng 26%/năm. Nếu loại trừ yếu tố giá, thì hai con số này tương ứng là gần 200% và khoảng 20%. Điều cần lưu ý năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại toàn cầu WTO, biểu đồ dưới đây cho thấy bức tranh tăng đột biến tình trạng nhập siêu này.
Từ bức tranh về xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tính theo đô la Mỹ và theo tiền đồng cũng như theo hai loại giá (hiện hành và so sánh) có thể thấy việc làm yếu đồng tiền Việt Nam cần được cân nhắc rất kỹ. (Xem thêm một quan điểm khác trong bài "Tỷ giá: điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam" của Huỳnh Thế Du trên TBKTSG số ra ngày 30-9).
Một vấn đề cũng cần đề cập đến là cơ cấu nhập khẩu cho sản xuất và tiêu dùng. Trong 10 năm qua hơn 90% kim ngạch nhập khẩu là dùng cho sản xuất, chỉ chưa tới 10% là nhập khẩu cho tiêu dùng cuối cùng, dù rằng gần đây nhiều người lo ngại về việc nước ta nhập khẩu cả tăm tre. Trong chín tháng đầu năm 2010 tỷ trọng nhập khẩu cho tiêu dùng giảm từ 9,3% tổng giá trị nhập khẩu của năm 2009 xuống còn 8,4%. Như vậy vấn đề nhập siêu của Việt Nam chính là do nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất.

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng nhập siêu kéo dài và ngày càng tăng?
Theo tôi, nguyên nhân chính nằm ở cơ cấu kinh tế. Thông thường khi chọn ngành trọng điểm thường phải xem xét đến hai yếu tố là chỉ số lan tỏa nội địa và chỉ số kích thích nhập khẩu. Tuy nhiên thực tế cho thấy một số ngành có tỷ trọng vốn đầu tư khá lớn nhưng chỉ số lan tỏa nội địa thấp và chỉ số kích thích nhập khẩu cao bất thường. Những nhóm ngành này hầu hết nằm ở khu vực II (công nghiệp và xây dựng). Nguyên nhân thứ hai là hiệu quả sản xuất kinh doanh sút giảm khá mạnh. Điều này được minh chứng qua tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất (dựa vào các bảng cân đối liên ngành của Tổng cục Thống kê công bố cho năm 2000 và 2007) tăng gần 10 điểm phần trăm từ năm 2000-2007, tức là mỗi năm tỷ lệ này tăng thêm hơn 1 điểm phần trăm. Riêng điều này có thể lý giải rằng do thay đổi quy trình công nghệ nhưng nếu xét thêm đến yếu tố này thông qua chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp có thể thấy chỉ tiêu này ngày một giảm sút. Giai đoạn trước chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 22-25% thì trong ba năm 2007-2010 đóng góp của chỉ tiêu này vào GDP chỉ khoảng 10-15%. Khi Việt Nam hội nhập và thực hiện tự do thương mại mà hiệu quả sản xuất yếu đi thì hàng hóa sản xuất trong nước sẽ không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Nguyên nhân thứ ba không kém phần quan trọng là do chính sách bảo hộ của Việt Nam còn nhiều cảm tính. Qua tính toán cho thấy với những ngành có thể cạnh tranh thì hệ số bảo hộ hữu hiệu - bảo hộ sản xuất (Effective Rate of Protection) ngày càng giảm và có những nhóm ngành tỷ lệ này âm. Ngược lại, với những ngành không thể cạnh tranh thì hệ số bảo hộ hữu hiệu cho sản xuất lại ngày càng tăng.
Xét về cơ cấu nhập siêu trong 10 năm qua có thể thấy mức nhập siêu từ Trung Quốc tăng rất mạnh. Nếu năm 2000 nhập siêu từ Trung Quốc chiếm khoảng 10% trong tổng nhập siêu thì đến năm 2009 ước tính con số này lên đến gần 90%.
Cần ghi nhận rằng, riêng năm 2009 nhập siêu của Việt Nam giảm so với năm 2008 là do Việt Nam xuất khẩu vàng, thu về 2,6 tỉ đô la. Niên giám Thống kê ghi xuất khẩu vàng vào xuất khẩu (do xuất vàng phi tiền tệ). Theo thống kê, năm 2008 Việt Nam nhập khẩu lượng vàng khá lớn (2,728 tỉ đô la Mỹ) trong khi năm 2009 chỉ nhập vàng có 300 triệu đô la, như vậy là xuất khẩu vàng của năm 2009 chủ yếu do vàng đã mua từ những năm trước. Như vậy, khi tính toán chỉ tiêu GDP không được tính phần xuất khẩu vàng này vào GDP, vì khi tính cho xuất khẩu phải trừ đi ở phần tích lũy tài sản, như vậy tổng GDP vẫn không đổi.
Về xuất nhập khẩu tính theo giá so sánh nhiều trường hợp sẽ không phản ánh được bản chất của tình hình. Ví dụ năm 2009 nếu tính theo giá hiện hành thì xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm hơn 2% so với năm 2008. Nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì xuất khẩu tăng 11,1%. Về mặt thành tích, điều này làm giảm nhập siêu và tăng GDP theo giá so sánh (làm tăng trưởng cao hơn) nhưng rõ ràng là không phản ảnh được thực tế là lượng tiền mà Việt Nam nhận được giảm, nhưng xuất khẩu về lượng tăng, như vậy lợi ích kinh tế bị thua thiệt rất nhiều. Vậy không nên kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng GDP, trong trường hợp này đã không phản ánh thực tế về tình hình kinh tế của đất nước. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng GDP, cần có những phân tích vĩ mô khác để các nhà làm chính sách có cái nhìn thực chất hơn về tình hình kinh tế đất nước.
Nhìn lại các con số

Khi nói đến xuất nhập khẩu người ta thường nói đến xuất nhập khẩu hàng hóa mà quên mất một phần quan trọng là xuất nhập khẩu dịch vụ (bằng khoảng 10% xuất nhập khẩu hàng hóa). Xuất khẩu được tính vào và nhập khẩu được trừ đi trong GDP bao gồm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...