Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Bước ngoặt mới về chống chuyển giá

Những động thái gần đây cho thấy các cơ quan quản lý đang triển khai chống chuyển giá một cách quyết liệt, thay vì chỉ cảnh báo chung chung như trước.
Nóng ở Quốc hội
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đã nêu vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như là một trong những lỗ hổng quản lý tài chính lớn nhất hiện nay.
Theo đại biểu Thường, năm 2009 toàn quốc có 1.358 doanh nghiệp FDI đang hoạt động thì có tới 56% số doanh nghiệp báo cáo làm ăn thua lỗ. Các doanh nghiệp này đều có công ty mẹ tại nước ngoài, hàng sản xuất ra 99% là xuất khẩu sang nước thứ ba.

Một doanh nghiệp FDI ở Tp.HCM liên tiếp trong ba năm báo cáo lỗ hàng nghìn tỷ đồng, có điều lạ là lỗ như vậy nhưng doanh nghiệp này vẫn mở rộng sản xuất, năm sau cao hơn năm trước.

Theo đại biểu Thường, đây thực chất là hình thức chuyển giá để trốn thuế của doanh nghiệp, bằng cách nhập nguyên liệu đầu vào từ công ty mẹ với giá cao ngất ngưởng, hàng đầu ra xuất sang các nước có thuế suất bằng 0 hoặc thuế suất thấp, nên danh nghĩa theo báo cáo là lỗ ở công ty con, nhưng lại lãi cực lớn ở công ty mẹ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Xuân Thường về tình trạng này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói rằng trên thực tế Bộ Tài chính đã bắt tay vào việc chống chuyển giá từ lâu, nhưng ông thừa nhận rằng đây “là một việc khó”

“Bộ đã tích cực trong việc triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra để hạn chế việc chống trượt giá, tuy nhiên việc chống trượt giá là vô cùng khó khăn, bởi vì việc xác định giá trị thiết bị, nhiên nguyên vật liệu nhập từ công ty mẹ nhìn trên hình thức giấy tờ là rất hợp pháp”.

Ông Ninh cũng nói rằng, khi Việt Nam gia nhập WTO, việc áp định bảng giá tối thiểu làm căn cứ vào đó xác định thuế đã phải hủy bỏ và cơ quan quản lý phải chuyển sang xác định thuế trên cơ sở giá trị theo chứng từ hóa đơn. Chính vì thế, quá trình triển khai về thanh tra, kiểm tra rất khó khăn.

Thông tư 66 về chống chuyển giá được ban hành vào tháng 4/2010 được xem là một nỗ lực nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc chống chuyển giá. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Bộ Tài chính khi thanh tra 127 doanh nghiệp FDI lỗ nhiều liên tục trong 3 năm, cũng đã phát hiện khai lỗ không đúng là 1.450 tỷ đồng, truy thu vào ngân sách.


Vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI được đại biểu Quốc hội xem như là một trong những lỗ hổng quản lý tài chính lớn nhất hiện nay (Ảnh minh họa)
“Hiện nay Bộ đang tiếp tục triển khai một chương trình thanh tra toàn diện đối với doanh nghiệp FDI, chúng tôi đối chiếu với các chứng từ đầu vào và đầu ra, tham khảo giá trên thị trường thế giới, trong quy định gọi là tham vấn giá…
Hiện nay chúng tôi đã có công văn, văn bản đề nghị với Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thương vụ, các cơ quan tham tán và đại sứ quán nước ngoài xin thu thập các thông tin có liên quan khi cơ quan thuế có yêu cầu phối hợp chống chuyển giá này”, ông Ninh nói.

Hình sự hóa để chống chuyển giá
Thay vì chỉ thanh kiểm tra và xử phạt chung chung như trước, chống chuyển giá đã được "hình sự hóa" trong năm nay, khi mà cơ quan nn ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án trốn thuế tại Khách sạn Equatorial, Tp.HCM.

Lịch sử thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy trong hầu hết trường hợp vi phạm về thuế của doanh nghiệp FDI, cách xử lý thông thường vẫn là “xử lý hành chính”, phổ biến nhất là phạt và rồi… xong chuyện, với mức phạt mà nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Khách sạn Equatorial đã có hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động. Trong hồ sơ chuyển giao cho cơ quan an ninh, Cục Thuế Tp.HCM nhận định từ năm 2003 đến 2008, khách sạn này không mở sổ sách kế toán theo quy định, không áp dụng hệ thống kế toán Việt Nam.

Ngoài ra, các phương thức đăng ký chuyển lỗ và xác định số liệu không nhất quán liên quan đến chênh lệch tỷ giá giữa các năm cũng chưa được liên doanh này thực hiện. Từ đó, cơ quan quản lý không thể xác định kết quả kinh doanh và xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khách sạn đã không kê khai nộp thuế nhà thầu hơn 6,3 tỉ đồng và kê khai thiếu tiền thuế phải nộp hơn 8,5 tỉ đồng.

Việc ngành thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan an ninh để khởi tố Khách sạn Equatorial có thể coi là một lời tuyên chiến đối với hành vi chuyển giá, cho dù ai cũng biết rằng đó là một cuộc chiến không hề đơn giản.

Việc ban hành Thông tư 66 được cộng đồng doanh nghiệp xem là động thái rõ nhất cho thấy quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc thanh tra kiểm tra chống chuyển giá trong thời gian tới.

Công ty kiểm toán Deloitte, trong một tài liệu công bố gần đây, đánh giá rằng Thông tư 66 “là dấu hiệu cho thấy sau một thời gian gián đoạn, cơ quan quản lý thuế sẽ có những quan tâm mạnh mẽ hơn, sẽ có những động thái tích cực hơn đối với vấn đề chuyển giá. Điều này cũng có nghĩa là sẽ gia tăng các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với vấn đề chuyển giá, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.

Tại hội thảo tập huấn về Thông tư 66 vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Văn Mơ, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, cho biết cơ quan này đang tập trung quyết liệt vào việc chống chuyển giá, xác định giá giao dịch thị trường trong giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau từ quý 4/2010.

“Các doanh nghiệp cần tuân thủ chính sách chế độ, đặc biệt là chính sách thuế, khi xác định giá trị giao dịch liên kết phải phản ánh đúng tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đúng giá của thị trường. Những đơn vị/doanh nghiệp vi phạm về xác định giá trong giao dịch liên kết sẽ bị xử lý rất nặng”, ông Mơ nói.

Bà Vũ Thị An, nguyên Trưởng ban Thuế đầu tư nước ngoài thuộc Tổng cục Thuế, và hiện là Giám đốc Công ty Tư vấn thuế C&A, nhận xét là trong thời gian tới các công ty tư vấn thuế có thể sẽ “nhiều việc” để làm hơn, trước động thái quyết liệt này của Bộ Tài chính.
Theo Anh Minh
VnEconomy

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...