Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Kinh tế châu Âu tái phát 'bệnh'... nợ nần

6 tháng sau khi các nước thành viên liên minh châu Âu (EU) giải cứu Hy Lạp bằng gói cứu trợ 110 tỷ euro, nền kinh tế châu Âu vốn đang "suy nhược" vì khủng hoảng nợ công lại hầm hập lên "cơn sốt" trước nguy cơ Ireland sẽ lao theo vết xe Hy Lạp.
 
Ireland “mắc bệnh”
Hệ thống tài chính của Ireland, rơi vào tình trạng nguy hiểm sau khi bong bóng bất động sản tại nước này nổ tung với giá nhà đất tụt giảm tới 60% làm cả hệ thống ngân hàng với tổng giá trị lên đến 1.800 tỷ USD đứng trước nguy cơ sụp đổ. Chính phủ không còn cách nào khác phải đi vay để hỗ trợ tài chính cho 5 ngân hàng lớn nhất.
Song vay nợ quá nhiều lại khiến mức thâm hụt ngân sách của Ireland năm nay có thể vượt mốc 30% GDP, tức là gấp đôi của Hy Lạp, quốc gia suýt bị phá sản tháng 5 vừa qua nếu không nhận được khoản cứu trợ 110 tỷ euro. Ireland nay thành con nợ lớn nhất của của Ngân hàng Trung ương châu Âu với mức nợ gần 180 tỷ USD.

Kinh tế Ireland gặp nguy

Thay vì chấp nhận uống "toa thuốc đắng" như Hy Lạp, Ireland lại gồng mình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.
Để thực hiện lời hứa giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách xuống mức 4% GDP vào năm 2014, Chính phủ Ireland không còn biện pháp nào khác ngoài tăng thu, giảm chi nhằm tiết kiệm khoảng 8 tỷ USD, qua đó cắt giảm thâm hụt xuống còn 9,5-9,75% trong năm sau. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, biện pháp này nếu được áp dụng sẽ chỉ làm cho nền kinh tế Ireland thêm ốm yếu bởi nguồn tăng thu ngân sách sẽ chủ yếu đến từ việc đánh thuế người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng Ireland Brian Cowen thừa nhận, nước này chỉ có khả năng “cầm cự” tối đa tới tháng 6/2011.
“Dễ điều trị” hơn Hy Lạp...
Tuy vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia thì dù đang trong tình trạng nguy kịch nhưng lời giải cho cuộc khủng hoảng nợ của Ireland hiện nay dường như dễ tìm hơn cho bài toán Hy Lạp khi trước.




“Triển vọng của Ireland tốt hơn nhiều so với Hy Lạp”, chuyên gia kinh tế Marco Annunziata thuộc Ngân hàng Unicredit nhận định. Ông nhấn mạnh, theo quan điểm thị trường, cuộc khủng hoảng nợ ở Ireland hiện nay chính là cuộc khủng hoảng Hy Lạp chưa được giải quyết và đang quay trở lại.
Chia sẻ quan điểm này, ông Pisani-Ferry, Viện trưởng nghiên cứu các vấn đề châu Âu Bruegel cho rằng: "Xét toàn cục, Ireland là một trong những mô hình tốt về điều hành kinh tế trước khủng hoảng. Họ kiểm soát tài chính công tốt hơn nhiều so với Hy Lạp. Bên cạnh đó, Ireland lại có tiềm năng xuất khẩu lớn, tạo điều kiện phục hồi nhanh. Quan trọng hơn là các khoản thâm hụt của Ireland chủ yếu là ngắn hạn, do đổ tiền ra cứu trợ ngành ngân hàng”.
…song khó triệt để
Dù đánh giá cuộc khủng hoảng tại Ireland không nghiêm trọng như Hy Lạp nhưng không chuyên gia kinh tế nào có thể khẳng định, “căn bệnh” nợ công này sẽ không tái phát.
Thực tế tình hình tại Ireland đang khiến người ta phải lo ngại về một mắt xích yếu khác của EU là Bồ Đào Nha. Với núi nợ công cao ngất (83,3% GDP), Bồ Đào Nha đang tìm cách tránh lặp lại "vết xe đổ" của Hy Lạp là cầu cứu cả EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Thậm chí, người ta còn lo ngại cả nguy cơ khủng hoảng nợ lan sang Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 5 trong EU, cho dù Madrid vẫn khẳng định rằng kinh tế Tây Ban Nha hoàn toàn khác và lành mạnh hơn nhiều.



Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng nợ tại Ireland thực sự gióng thêm hồi chuông cảnh báo về việc thiếu các quy định chặt chẽ trong Eurozone. Hiện tại, ít ai nghĩ rằng Eurozone sẽ tan rã nhưng nguy hiểm ở chỗ các nước thành viên cứ phải gồng mình đóng góp vào quỹ để cứu những thành viên còn lại.
Nhìn vào thực trạng các nền kinh tế trong Eurozone, người ta thấy rõ sự phân cực giữa các nước phía Bắc giàu có với các nước phía Nam thường xuyên bị thâm hụt ngân sách trầm trọng. Ngoài Hy Lạp đang vất vả vượt khủng hoảng, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Itally và các thành viên mới như Slovenia, Slovakia cũng đang đối mặt với vô số khó khăn về công nợ.
Trong khi đó, quỹ cứu trợ 750 tỷ euro phần lớn đến từ các nước thành viên Eurozone, mà chủ yếu là Đức. Nhiều chuyên gia cho rằng, những người đóng thuế tại Đức, Pháp có thể bước đầu thông cảm với các kế hoạch đóng góp quỹ cứu các thành viên yếu trong Eurozone nhưng họ khó chấp nhận nếu việc này kéo dài.
Vì thế, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schašuble gần đây kêu gọi nên siết chặt các quy định tài chính của khu vực đồng euro để phòng ngừa các nước thâm hụt ngân sách quá lớn, nếu cần có thể trục xuất họ khỏi Eurozone.
Theo cựu Giám đốc điều hành ngân hàng Barclay của Anh, ông Martin Taylor, trong thâm tâm ông không bao giờ muốn Eurozone sụp đổ. Nhưng nếu các nước yếu kém trong khối này không có biện pháp đủ mạnh để vượt qua khó khăn kinh tế, nguy cơ đồng tiền euro sụp đổ sẽ có thật.
Theo nhà kinh tế Elisa Parisi-Capone, 45% khả năng các thành viên Eurozone về lâu dài sẽ rút khỏi khu vực này. Hy Lạp chẳng hạn, nếu nước này thất bại trong chính sách "thắt lưng buộc bụng" hiện nay, một Chính phủ mới lên cầm quyền có thể sẽ trở lại sử dụng đồng drachmas, những người gửi tiền sẽ ồ ạt rút tiền euro khỏi ngân hàng để bảo tồn vốn. Hậu quả sẽ không lường được.

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...