Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Chuẩn hóa cách tính thuế do khoản đánh giá lại tài sản

Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Thông tư số 40/2010/TT-BTC hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản, có hiệu lực từ 2/5/2010

Cụ thể, doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước thực hiện đánh giá lại tài sản cố định (TSCĐ) theo quy định để chuyển đổi thành công ty cổ phần thì giá trị TSCĐ được ghi nhận để trích khấu hao theo giá trị đánh giá lại và phần chênh lệch giữa giá trị TSCĐ đánh giá lại và giá trị còn lại của TSCĐ ghi trên sổ kế toán được ghi tăng phần vốn của nhà nước tại DN.


DN thực hiện đánh giá lại tài sản theo quy định để góp vốn, để điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN thì phải tính nộp thuế như sau:

Trường hợp 1: Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để góp vốn, để điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN thì khoản chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ được tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN (TNDN). Cụ thể: chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để góp vốn được phân bổ dần vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại DN có tài sản đánh giá lại góp vốn. Việc phân bổ dần khoản chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ vào thu nhập khác của DN có tài sản đánh giá lại đem góp vốn được tính theo số năm còn lại được trích khấu hao của TSCĐ tại DN nhận vốn góp. Chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ để điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN tính một lần vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại DN có tài sản đánh giá lại để điều chuyển.

Trường hợp 2: Chênh lệch do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất có thời hạn để góp vốn, để điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN, trường hợp bên nhận quyền sử dụng đất được trích khấu hao đối với giá trị quyền sử dụng đất theo chế độ quy định thì khoản chênh lệch do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất phải tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo nguyên tắc nêu tại điểm 2a Điều 2 của Thông tư 40/2010.

Chênh lệch do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất lâu dài để góp vốn, đề điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN, trường hợp bên nhận quyền sử dụng đất có đưa giá trị quyền sử dụng đất vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không được trích khấu hao đối với giá trị quyền sử dụng đất theo chế độ quy định thì khoản chênh lệch do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất tạm thời chưa phải tính thuế TNDN. Trường hợp sau khi góp vốn, DN lại tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tiếp tục mang quyền sử dụng đất đi góp vốn cho đơn vị khác thì DN nhận vốn góp phải kê khai và nộp thuế TNDN.

Trường hợp DN có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tiếp tục mang quyền sử dụng đất đi góp vốn cho đơn vị khác đối với đất được đánh giá lại khi góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN thì giá vốn của đất được xác định cụ thể như sau:
Đối với đất là TSCĐ thuộc diện được trích khấu hao (đất sử dụng có thời hạn) khi chuyển nhượng giá vốn được xác định là giá trị quyền sử dụng đất còn lại (giá trị còn lại = giá trị biên bản đánh giá lại khi góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp - phần trích khấu hao đã tính vào chi phí của doanh nghiệp.

Đối với đất là TSCĐ thuộc diện không trích khấu hao khi chuyển nhượng thì giá vốn của quyền sử dụng đất được tính theo giá trị của quyền sử dụng đất trước khi đánh giá lại để góp vốn ghi trên biên bản góp vốn, biên bản điều chuyển.

Ví dụ: DN A có 1.000 m2 quyền sử dụng đất lâu dài và giá đất ghi trên sổ sách kế toán là 5 tỷ đồng. Sau đó, DN A có góp 1.000 m2đất vào DN B để hoạt động sản xuất kinh doanh. Hai bên đã thống nhất và có biên bản định giá lại quyền sử dụng đất góp vốn là 10 tỷ đồng. Như vậy, khi góp vốn, DN A phải có biên bản góp vốn và trong đó ghi rõ giá trị quyền sử dụng đất ban đầu khi góp vốn là 5 tỷ đồng; giá trị đánh giá lại quyền sử dụng đất khi góp vốn là 10 tỷ đồng. Chênh lệch do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất lâu dài để góp vốn, bên nhận quyền quyền sử dụng đất không trích khấu hao đối với giá trị quyền sử dụng đất thì khoản chênh lệch do đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất tạm thời chưa phải tính thuế TNDN. Trường hợp DN B không đưa quyền sử dụng đất này vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà tiếp tục chuyển nhượng cho DN C với giá là 12 tỷ đồng thì DN B phải kê khai và nộp thuế TNDN. Giá vốn của quyền sử dụng đất để xác định thu nhập chịu thuế được tính trừ theo giá trị quyền sử dụng đất  trước khi đánh giá lại để góp vốn ghi trên biên bản góp vốn là 5 tỷ đồng.

Trường hợp 3: Chênh lệch do đánh giá lại quyền sử dụng đất để góp vốn vào các dự án đầu tư xây dựng nhà, hạ tầng để bán thì khoản chênh lệch do đánh giá lại quyền sử dụng đất tính một lần vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại DN có tài sản đánh giá lại đem góp vốn (đối với quyền sử dụng đất lâu dài là chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại và giá trị của quyền sử dụng đất ghi trên sổ sách kế toán; đối với quyền sử dụng đất có thời hạn là chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại và giá trị còn lại của quyền sử dụng đất).

Khi góp vốn, điều chuyển tài sản, hai bên phải có biên bản góp vốn, biên bản điều chuyển tài sản, trong đó ghi rõ giá trị còn lại ghi trên sổ sách kế toán của tài sản trước khi đánh giá lại và giá trị đánh giá lại của tài sản, số năm còn lại được trích khấu hao của TSCĐ (đối với TSCĐ được trích khấu hao) kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.

DN nhận TSCĐ góp vốn, nhận tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được trích khấu hao theo giá đánh giá lại đối với TSCĐ của DN đem góp vốn (trừ trường hợp giá trị quyền sử dụng đất không được trích khấu hao theo quy định.

(Theo eFinance)

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...