Liệu giá vàng sẽ tăng đến đâu? Đâu là các nhân tố quyết định đến xu hướng của giá vàng trong thời gian tới? Đây là những câu hỏi mà các nhà đầu tư, kinh doanh mặt hàng kim loại quý này đang đi tìm lời giải đáp.
Câu trả lời sẽ đến từ Trung Quốc. Chỉ cần sử dụng một phần nhỏ trong nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ để mua vàng, Trung Quốc có thể làm dấy lên làn sóng tăng giá vàng trong những năm tiếp theo.
Những đợt tăng mạnh của giá vàng trong thời gian qua đã thu hút sự chú ý của giới làm chính sách lẫn giới đầu tư quốc tế. Liệu giá vàng sẽ tăng đến đâu? Đâu là các nhân tố quyết định đến xu hướng của giá vàng trong thời gian tới? Đây là những câu hỏi mà các nhà đầu tư, kinh doanh mặt hàng kim loại quý này đang đi tìm lời giải đáp.
Ông David Hale, nhà sáng lập và chuyên gia kinh tế thuộc David Hale Global Economics, tổ chức nghiên cứu và tư vấn về các vấn đề kinh tế có trụ sở tại Chicago, Mỹ, cho rằng, đợt tăng giá vàng vừa qua chỉ mới là giai đoạn mở màn của một thị trường giá lên và sẽ đẩy giá vàng lên ít nhất 2.000 USD/ounce vào năm 2015. Có nhiều nhân tố làm trợ lực thúc đẩy đà tăng của giá vàng, nhưng nhân tố quan trọng nhất, theo ông Hale, là Trung Quốc.
Những nhân tố tác động đến giá vàng
Các nguyên nhân kinh tế vĩ mô tác động đến sự tăng giá vàng thời gian qua xuất phát từ chính sách tiền tệ và rủi ro lạm phát. Một số quốc gia công nghiệp hóa đang nỗ lực hạ giá đồng nội tệ để làm lợi cho hàng xuất khẩu và sẽ tiếp tục dùng chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu trên. Gần đây, Nhật đã bán ra hơn 2.000 tỉ yên (tương đương 24 tỉ USD) nhằm làm suy yếu đồng yên. Và chính sách này đã thành công, dù chỉ trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại đưa ra nhiều lời bóng gió rằng sẽ nhúng tay sâu hơn vào chính sách nới lỏng định lượng (một chính sách tiền tệ của Chính phủ nhằm tăng lượng cung tiền trên thị trường bằng cách mua vào các loại trái phiếu). Chính sách này sẽ khơi mào cho sự bán ra ồ ạt đồng USD và có thể tạo ra làn sóng hạ giá đồng nội tệ tại các nước khác. Đây là lý do dẫn đến những đợt sóng mạnh của giá vàng trong thời gian qua.
Giá vàng cũng đã hưởng lợi từ sự xuất hiện của các quỹ ETF (exchange-traded fund) cách đây 5 năm. Thông qua các quỹ này, nhà đầu tư có thể thu gom vàng một cách dễ dàng. Trong quý II/2010, các nhà đầu tư đã mua hơn 274 tấn vàng thông qua các ETF.
Khoản mục mà họ nắm giữ hiện đã vượt con số 2.000 tấn và là lượng nắm giữ vàng lớn thứ 6 thế giới sau Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ngân hàng trung ương của Mỹ, Đức, Pháp và Ý. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, các ETF này có thể sẽ xếp thứ 3 về lượng vàng nắm giữ vào cuối năm 2012.
Sau một thời gian dài bán ra, các ngân hàng trung ương đang trở thành kẻ mua vào mặt hàng kim loại quý này. Năm ngoái, Trung Quốc đã mua vào 450 tấn vàng. Ấn Độ cũng thu gom 200 tấn vào tháng 10.2009. Từ đầu năm đến nay, Nga đã mua 71 tấn. Trong khi đó, một lượng nhỏ hơn vàng đã được Mauritius, Thái Lan, Bangladesh và Sri Lanka mua vào.
Giữa tháng 10 vừa qua, Hàn Quốc cũng tuyên bố có thể sẽ sử dụng một phần dự trữ ngoại hối 290 tỉ USD để mua vào mặt hàng kim loại quý này. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đã bán ra gần 4.500 tấn vàng trong suốt 20 năm vừa qua.
Tất cả những yếu tố trên đã thúc đẩy đà tăng của giá vàng trong thời gian qua.
Tương lai giá vàng nằm ở Ttrung Quốc
Tuy nhiên, thế lực quan trọng nhất tác động đến xu hướng của giá vàng trong thời gian tới có thể là Trung Quốc. Quốc gia này hiện nắm giữ hơn 2.400 tỉ USD dự trữ ngoại hối, nhưng chỉ 1,7% trong nguồn dự trữ này là dưới hình thức đầu tư vào vàng. Theo dự báo của IMF, Trung Quốc sẽ có thặng dư tài khoản vãng lai 2.600 tỉ USD trong 5 năm tới.
Nếu dự báo của IMF là đúng, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể sẽ tăng lên mức 5.000 - 6.000 tỉ USD. Giả sử quốc gia này luôn duy trì một tỉ trọng vàng như trên trong nguồn dự trữ ngoại hối thì cũng sẽ phải mua vào thêm khoảng 1.000 - 1.500 tấn vàng.
Tuy nhiên, có khả năng là Trung Quốc sẽ muốn gia tăng tỉ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối để tạo một thành lũy vững chắc nhằm bảo vệ khỏi sự biến động của việc đồng USD bị hạ giá và cũng là nhằm tăng cường vị thế của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.
Tương tự như nước Mỹ cách đây 100 năm, Trung Quốc có thể sẽ xem việc nắm giữ một lượng vàng lớn là một cách để nâng cao sức mạnh tài chính của mình. Vào năm 1913, trước khi đồng USD trở thành đồng tiền quốc tế, Mỹ đã nắm giữ 2.293 tấn vàng so với 248 tấn của Anh, 439 tấn của Đức, 1.030 tấn của Pháp và 1.233 tấn của Nga.
Nhờ nắm giữ một lượng lớn vàng như vậy, Mỹ đã đưa đồng USD trở thành sự thay thế hiển nhiên cho đồng bảng Anh khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất nổ ra, khiến cho địa vị tài chính của Anh sụp đổ. Hiện nay, Mỹ theo đuổi một chính sách USD yếu và ở một điểm nào đó, vị trí của đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế đã bị suy yếu, nhất là từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Và Trung Quốc có thể làm điều tương tự với đồng USD như Mỹ đã làm đối với đồng bảng Anh trước đây.
Mới đây, một số quan chức Trung Quốc đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương nước này mua vào 10.000 tấn vàng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã từ chối bình luận về vấn đề này, nhưng chắc chắn họ sẽ khó bỏ qua lời đề nghị hấp dẫn này nếu Mỹ đeo đuổi chính sách đồng USD yếu và vị thế của đồng nhân dân tệ tăng lên.
Điều quan trọng hơn hết là nguồn dự trữ ngoại hối ngày càng dồi dào của Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhanh tăng trưởng tiền tệ và làm gia tăng tỉ lệ lạm phát tại quốc gia này, từ đó đẩy nhu cầu vàng của người dân lên cao.
Kể từ khi Trung Quốc nới lỏng kiểm soát thị trường vàng vào năm 2008, nhu cầu vàng của cá nhân tại quốc gia này đã tăng lên một cách nhanh chóng. Lượng cầu đã đạt tổng cộng 143 tấn vàng trong suốt 12 tháng qua so với 73 tấn trong năm 2009 và 17 tấn trong năm 2008. Con số này có thể nhanh chóng tăng lên mức hàng trăm tấn vàng, nếu nhà đầu tư cho rằng tăng trưởng tiền tệ của Trung Quốc có xu hướng đẩy lạm phát lên cao.
Khó có thể biết chính xác lúc nào Trung Quốc sẽ mua vào mặt hàng kim loại quý này với khối lượng lớn. Nhưng chắc chắn điều này sẽ đẩy nhu cầu vàng trong những năm sau đó và động thái thu gom vàng của Trung Quốc có thể triệt tiêu mọi kháng cự của các nhân tố tác động khác, kể cả những chính sách can thiệp của FED.
Theo DĐDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét