Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Cổ phiếu thủy sản: Lợi thế tỉ giá đủ bù chi phí?

Trên cả hai sàn chứng khoán hiện có khoảng 20 cổ phiếu có thể xếp vào nhóm xuất khẩu thủy sản. Mặc dù các chỉ số tài chính của nhiều doanh nghiệp khá tốt nhưng cổ phiếu nhóm này vẫn thiếu sức bật.
Xuất khẩu thủy sản là một lĩnh vực truyền thống, khá ổn định từ cơ cấu mặt hàng đến thị trường. Mùa vụ cao điểm của sản xuất, xuất khẩu là quý 4 hàng năm. Theo số liệu của Công ty chứng khoán SME, nhóm cổ phiếu thủy sản có tỉ trọng đóng góp lợi nhuận quý 4/2009 thấp nhất cũng trên 20% trong tổng lợi nhuận cả năm. Cá biệt một số doanh nghiệp có tỉ trọng lợi nhuận quý cuối năm rất cao như AGD(59,1%), BLF (33,5%), ABT (33,1%)...

Diễn biến tỉ giá từ đầu năm đến nay được đánh giá là có lợi cho khối doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng.
Tỉ giá niêm yết từ đầu năm nay vào khoảng 18.465 VND/USD đã tăng lên 19.500 VND/USD theo ước tính của SME đã làm lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ khoảng 5% giá trị doanh thu. Ngoài ra, các doanh nghiệp thu về ngoại tệ còn được hưởng lợi thế tỉ giá tự do cao hơn mức niêm yết. Ước tính với mức dao động quanh 21.000 VND/USD, tỉ giá tự do tăng gần 14% so với đầu năm.
Tổng hợp kết quả kinh doanh quý 3/2010 của nhóm doanh nghiệp thủy sản cho thấy khá nhiều công ty có mức hoàn thành kế hoạch rất tốt. Một số công ty đến quý 3 đã hoàn thành trên 90% kế hoạch năm như ABT, MPC, SJ1, TS4...  Thống kê cho thấy khoảng 9/20 doanh nghiệp hoàn thành trên 60% kế hoạch năm. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng kế hoạch đặt ra từ đầu năm của nhiều doanh nghiệp là khá cẩn trọng.
Việc lựa chọn cổ phiếu thủy sản có một số đặc thù riêng, trong đó quan trọng nhất là cơ cấu hàng xuất khẩu, khả năng chủ động nguyên liệu, kiểm soát chi phí, trong đó đặc biệt là nợ vay.


Cổ phiếu thủy sản phù hợp với hoạt động đầu tư dài hạn
Kết quả kinh doanh quý 3 cho thấy có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm sản phẩm: tôm, cá và nhuyễn thể. Nguồn cung tôm khan hiếm khiến giá tăng mạnh là nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp có thế mạnh về mặt hàng này đạt kết quả kinh doanh tốt. MPC, FMC và SJ1 có thể xem là điển hình, đều đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Mặt hàng cá basa lại gặp khó khăn do giá nguyên liệu tăng  trong khi giá bán không tăng tương ứng, chịu thuế chống bán phá giá. Có doanh nghiệp lỗ như BAS, lũy kế 9 tháng -7,5 tỷ đồng. Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu nhuyễn thể, giáp xác khác có kết quả kinh doanh ổn định hơn.
Trong điều kiện nguyên liệu đầu vào biến động mạnh về giá và nguồn cung, một số doanh nghiệp xuất hiện tình trạng mất ổn định về lợi nhuận dù doanh thu vẫn tăng trưởng. Phân tích theo biến động của tỉ suất lãi gộp cho thấy sự phân hóa rõ hơn khả năng kiểm soát chi phí nhờ chủ động nguồn nguyên liệu. Chẳng hạn ACL có doanh thu quý 3 tăng 45,8% nhưng lợi nhuận giảm 64,7% cùng kỳ.
Theo số liệu của SME, tỉ suất luận từ hoạt động kinh doanh bình quân quý 3/2010 của các doanh nghiệp trong ngành giảm khoảng 0,33%. Tuy nhiên nếu so sánh chung 9 tháng thì so với cùng kỳ  vẫn tăng khoảng 1,33%. Phân theo nhóm mặt hàng xuất khẩu thì các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có tỉ suất lợi nhuận quý 3 giảm so với quý 2 do ảnh hưởng tăng giá nguyên liệu nhưng giá bán không tăng tương ứng. Phân theo quy mô doanh nghiệp thì các công ty nhỏ có tỉ suất lợi nhuận biến động thất thường, thể hiện tính ổn định không cao trước các tác động đầu vào.
Đối với ảnh hưởng của lãi suất, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp thủy sản đều ghi nhận mức vay vốn ngắn hạn cao. Điều này cũng là đặc thù ngành phải mua nguyên liệu để sản xuất. Nói chung đối với các hoạt động sản xuất, mức nợ vay càng cao thì doanh nghiệp càng bất lợi trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang tăng lên. Quan sát hệ số nợ và mức sử dụng đòn bẩy cho thấy khá nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay nhiều nhưng cũng có doanh nghiệp có hệ số tốt, đòn bẩy thấp như ABT, AAM, ANV...
Chỉ số định giá theo P/E của nhóm ngành thủy sản bình quân khoảng 7,6 lần. Tuy nhiên P/E thấp cũng cho thấy thị trường không kỳ vọng nhiều vào các cổ phiếu này. Nói chung cổ phiếu thủy sản không nhiều “sóng” và đã giảm khá sâu từ đầu năm đến nay, có thể phù hợp với hoạt động đầu tư dài hạn hơn là lướt sóng. Ngoài ra, do nhóm ngành này bao gồm khá nhiều mã nên không hẳn sẽ có sóng theo nhóm ngành. Dòng vốn trên thị trường đang khá yếu và mức độ tập trung sẽ chỉ ở một số cổ phiếu đầu ngành.

Theo Khánh Hà
VnEconomy

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...