Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Ngân hàng âm thầm với cuộc chiến lãi suất mới.

Sau khi các ngân hàng được bật đèn xanh nâng lãi suất huy động, ngay lập tức các tổ chức tín dụng đã đạt được sự đồng thuận và đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm lên 12%/năm. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn chưa thống nhất được “chuẩn 12%”.



Lò so lãi suất được giãn ra

BIDV là ngân hàng đầu tiên nắm bắt cơ hội này ngay khi quyết định tăng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn xoay quanh 12%/năm.

BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên công bố lãi vay VND mới trong đó ấn định lãi vay ngắn hạn tài trợ xuất khẩu ở mức 12,75%/năm. Riêng đối với các doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu lớn, thu được nhiều ngoại tệ và cam kết bán lại cho ngân hàng, lãi cho vay có thể thấp hơn mức trên. Lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường cũng được BIDV ấn định xoay quanh mức 14%/năm và mức lãi vay cụ thể sẽ được ấn định tại từng địa bàn theo nhu cầu thực tế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, OceanBank là ngân hàng công bố điều chỉnh lãi suất sơm nhất, trong đó áp dụng đồng loạt một mức lãi suất 12%/năm cho toàn bộ các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Diễn biến này cũng gặp thấy ở hàng loạt kỳ hạn gửi tiền trong biểu lãi suất huy động của Maritime Bank, DongABank, ABBank, VPBank, TienPhongBank hay VIB cũng đã tăng lãi suất huy động lên 12%.

Một điểm được chú ý là nếu một số ngân hàng quốc doanh lớn kéo lãi suất thẳng mức 12%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng, thì một số ngân hàng cổ phần lớn lại áp phổ biến dưới mốc tối đa này.

“Việc phải cân đối sao cho lãi suất tiết kiệm tiền đồng phải có đủ hấp dẫn so với các loại tài sản khác, nên nhiều ngân hàng vẫn để lãi suất thẳng hàng ở mức 12%. Các ngân hàng cũng đang lúng túng với việc dự đoán động tĩnh người gửi tiền, nên họ thăm dò thị trường có chấp nhận bằng cách để lãi suất ở mức cao nhất trong khi chờ một mặt bằng lãi suất mới hình thành," chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm nhận xét.

Liệu có mặt bằng “đồng thuận”?

Việc thực hiện đồng thuận trên vẫn chưa được thống nhất giữa tất cả các thành viên. Tại một số ngân hàng, mức lãi suất huy động cao nhất có trên “trần” 12%/năm, từ 12,05% - 12,5%/năm.

Điều này được lý giải là do khi các thành viên lớn áp dụng mức lãi suất tối đa, các thành viên nhỏ sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh, nhất là khi thị phần hạn chế. Do đó, khi khó cạnh tranh thì việc áp dụng lãi suất cao hơn là điều dễ hiểu.

Đứng trước sự cạnh tranh như vậy, không ít các ngân hàng không chỉ tăng lãi suất huy động mà còn ồ ạt khuyến mãi để thu hút tiền gửi từ dân, nhất là trong bối cảnh vàng, USD liên tục sốt giá trước đó khiến không ít khách gửi tiết kiệm đồng loạt đi rút để “ôm” vàng, USD.

Tại Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB), mức lãi suất 12,2%/năm có ở các kỳ hạn 12, 15, 24 và 36 tháng. Tại BaoVietBank, kỳ hạn 6 tháng là 12,1%, 9 tháng 12,2%, 12 tháng 12,3%, hai kỳ hạn 18 và 24 tháng cùng áp là 12,5%/năm. Thậm chí, có ngân hàng còn thưởng lãi suất áp cho số dư từ 10 tỷ đồng trở lên.

Theo giải thích của một lãnh đạo ngân hàng thương mại, nếu để một mức huy động “đồng thuận” không thực chất thì những nhà băng nhỏ lại lâm vào thế kẹt. “Mặt bằng mới ở 12% cho huy động chỉ tạo ra một đường thẳng lãi suất ở mức cao hơn chứ không giải quyết được vấn đề cho các ngân hàng nhỏ. Chúng tôi lại buộc lòng tìm cách huy động theo cách riêng chứ không thì sẽ khó giữ được vốn chứ chưa nói để chuyện gia tăng huy động”, ông này tiết lộ.

Một lãnh đạo ngân hàng cổ phần khác cho biết thêm, hiện giờ nếu vay trên thị trường liên ngân hàng thì mức lãi suất cũng đã trên 12%, nên huy động 12% là mức thấp nhất cho kỳ hạn từ 1 tháng. Với các khoản tiền lớn, hầu hết các doanh nghiệp đều chào ngân hàng để gửi tiền với mức từ 13% trở lên.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng cho biết, với con số lạm phát mười tháng là 7,58%, giá vàng và USD leo thang, trong tháng qua đa số những khoản tiền gửi mới được gửi kỳ hạn từ 1-3 tuần, hiếm món gửi quá 2-3 tháng, nếu không có lãi suất tiền đồng hợp lý, người gửi tiền sẽ dễ thay đổi quyết định giữ tiền đồng.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất cơ bản lên 9%, đồng thời nâng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu… Theo TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường-giá cả (Bộ Tài chính), điều chỉnh lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là thông điệp thực hiện một trong những biện pháp chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát. Như vậy hiệu ứng sẽ tốt hơn và chúng ta sẽ có những hoạch định tiếp chính sách trong những tháng tới cả về việc điều chỉnh định hướng chính sách lẫn việc điều chỉnh thị trường.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lãi suất thời gian tới diễn ra như thế nào, ông Ánh cho biết, lãi suất tới đây tăng nữa hay không và tăng đến bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào diễn biến của tình hình lạm phát và mục tiêu chúng ta đặt ra là kiểm soát lạm phát ở mức độ nào.

Còn chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận xét, theo thông lệ, khi lãi suất huy động tăng thì lãi vay cũng tăng, dẫn đến chi phí vốn tăng, giá thành sản xuất tăng và giá tăng kéo theo lạm phát có thể gia tăng.

“Mục tiêu tăng lãi suất trước hết là để hạn chế tín dụng và mục tiêu thứ hai, với lãi suất cao hơn doanh nghiệp sẽ phải tính toán, cân nhắc đầu tư hiệu quả hơn vì vậy sẽ cân nhắc kỹ hơn với việc vay vốn. Như vậy chính là về mục tiêu hạn chế tín dụng kiềm chế lạm phát,” ông Thành nhấn mạnh./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...