Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ


Thời gian qua, Trung Quốc có nhiều động thái để tiến tới quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ trầm lắng hơn trong thời gian tới.
Tăng cường hoán đổi đồng NDT
Bộ phận phân tích thông tin kinh tế - EIU (thuộc Tạp chí The Economist của Anh) trong số ra mới đây cho biết, năm 2010, Trung Quốc đã có nhiều bước đi mạnh mẽ để quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ (NDT) như cho phép 20 tỉnh, thành phố thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế bằng đồng NDT; ký các thoả thuận trao đổi tiền tệ với Hàn Quốc, Hongkong, Malaysia, Indonesia, Belarus và Argentina. Đặc biệt, từ ngày 22/11, Trung Quốc cho phép đồng NDT giao dịch hối đoái với đồng Rúp của Nga, động thái sẽ giúp tạo điều kiện thuận tiện cho hoạt động thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc, cũng như giúp phát triển hoạt động thanh toán thương mại bằng đồng NDT.
Trước đó, tháng 7/2010, Trung Quốc cho phép tự do hoá thị trường đồng NDT liên ngân hàng ở Hongkong, theo đó các thể chế tài chính ở Hongkong không bị hạn chế trong việc mở tài khoản bằng đồng NDT cho khách hàng, được tự do chuyển đồng NDT giữa các tài khoản và đưa ra các sản phẩm đầu tư bằng đồng NDT. Tháng 10/2009, tại thị trường Hongkong, Chính phủ Trung Quốc đã phát hành 6 tỷ NDT trái phiếu quốc tế và ngày 22/11 vừa qua tiếp tục công bố kế hoạch phát hành thêm 8 tỷ NDT trái phiếu quốc tế.
Từ năm 2008 đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 5 quốc gia, gồm Argentina, Indonesia, Belarus, Malaysia, Hàn Quốc và đặc khu kinh tế Hongkong. Trong đó, giá trị hoán đổi giữa Trung Quốc với Argentina là 70 tỷ NDT (10,2 tỷ USD) vào ngày 29/3/2009; với Indonesia là 100 tỷ NDT (14,7 tỷ USD) vào ngày 23/3/2009; với Belarus là 20 tỷ NDT (2,9 tỷ USD) vào ngày 11/3/2009; với Malaysia là 80 tỷ NDT (11,7 tỷ USD) vào ngày 8/2/2009; với Hàn Quốc là 180 tỷ NDT (26,4 tỷ USD) vào ngày 12/12/2008 và với Đặc khu kinh tế Hồng Kông là 200 tỷ NDT (29,3 tỷ USD) vào ngày 20/1/2009.
Tháng 1/2010, Trung Quốc và 6 nước ASEAN đã cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với 90% các mặt hàng trong giao dịch thương mại. Hiện các hợp đồng bằng đồng NDT chỉ chiếm 10% trong thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, và sẽ tăng lên 30% trong 5 năm tới. Bằng cách ủng hộ việc sử dụng đồng NDT như đồng tiền thanh toán, Trung Quốc giảm thiểu được nguy cơ về tỉ giá mà các xí nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc phải đối mặt.
Trong tháng 7/2010, Iran và Trung Quốc đã đàm phán để sử dụng đồng NDT trong giao dịch dầu mỏ và các dự án hợp tác khác. Theo các thỏa thuận, các quốc gia này sẽ sử dụng đồng NDT thay thế đồng USD trong các hợp đồng mua bán với các đối tác Trung Quốc, nhằm tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư song phương. Ngoài ra các giao dịch thương mại hiện nay tại Trung Quốc được phép mua bán đồng NDT với đồng USD, EUR, Yên Nhật, HKD và GBP.
Tháng 8/2010, Trung Quốc đã đồng ý cho một số ngân hàng và tổ chức tài chính lớn của châu Á đầu tư vào thị trường trái phiếu của nước này. Tính đến nay, các ngân hàng ở Hongkong, Macau và một số ngân hàng nước ngoài khác đã tham gia giao dịch ở thị trường trái phiếu liên ngân hàng nội địa Trung Quốc với số tiền lên đến 19.500 tỉ NDT (2.871 tỉ USD).
Theo giới chuyên gia, khối lượng thương mại được thực hiện bằng đồng NDT trong năm 2010 tăng lên chứng tỏ nhu cầu của thị trường đối với đồng NDT tăng. Khối lượng thương mại được thanh toán bằng NDT trong tháng 8-9 đã vượt mức 50 tỷ so với mức gần 10 tỷ trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 5.
Tiến trình quốc tế hóa đồng NDT
Cựu quan chức Tài chính cấp cao Đặc khu hành chính Hongkong, ông Joseph Yam nhận định, quá trình quốc tế hóa đồng NDT sẽ phải diễn ra trong nhiều năm và phải đáp ứng được năm điều kiện sau: 
Thứ nhất, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc cần tương đương với Mỹ và Eurozone. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2009, GDP của nước này đạt 5.000 tỷ USD, trong khi mức tương ứng của Mỹ và Eurozone là 14.200 và 16.000 tỷ USD.
Thứ hai, Trung Quốc cần tiếp tục thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả trong vài thập kỷ tới và duy trì tăng trưởng ổn định.
Thứ ba, đồng NDT cần trở thành một đồng tiền có thể quy đổi hoàn toàn và Trung Quốc cần dỡ bỏ tất cả các hình thức kiểm soát vốn.
Thứ tư, Trung Quốc cần xây dựng một thị trường đầu tư toàn diện bằng đồng NDT và cho phép các cá nhân và tổ chức quốc tế sử dụng đồng NDT trong giao dịch tài chính.
Thứ năm, Trung Quốc phải xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại để hỗ trợ hệ thống thanh toán thời gian thực bằng đồng NDT.
Triển vọng
Theo giới quan sát, tình hình quốc tế cũng có những điều kiện thuận lợi cho đồng NDT mở rộng sự hiện diện trên thị trường quốc tế. Do lãi suất của đồng USD gần bằng không nên lãi suất tiền gửi bằng đồng NDT ở nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn. Sự kỳ vọng rằng đồng NDT sẽ tăng giá trong tương lai cũng làm các tổ chức và cá nhân nước ngoài có xu hướng nắm giữ thêm đồng tiền này. Vì thế, việc tiền gửi bằng đồng NDT ở Hongkong trong năm nay đã tăng mạnh sau 1 năm (từ mức 58,2 tỷ trong tháng 9/2009 lên mức 149,3 tỷ trong tháng 9/2010).
Tuy nhiên, EIU cho rằng vẫn còn một số rào cản trong việc NDT trở thành đồng tiền quốc tế. Thị trường trái phiếu bằng đồng NDT vẫn còn nhỏ và thị trường vốn của Trung Quốc khiều khả năng sẽ vẫn khép kín trong một thời gian dài nữa. Việc nắm giữ đồng NDT chỉ tốt cho mục đích đầu cơ và một số công ty muốn có đồng NDT để thuận tiện hơn trong các giao dịch với Trung Quốc đại lục. Khi nào đồng NDT ở nước ngoài chưa thể quay vòng một cách hiệu quả vào Trung Quốc đại lục, thị trường đồng NDT sẽ vẫn khập khiễng.
Theo EIU, với việc Chính phủ Trung Quốc đang phải tập trung vào kiểm soát tính thanh khoản trên thị trường nội địa và hạn chế việc mua NDT để đầu cơ, động lực thúc đẩy việc sử dụng NDT trong thương mại sẽ giảm đi. Trung Quốc cũng vẫn kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào, mà việc rỡ bỏ các rào cản kiểm soát này sẽ mất nhiều thời gian và đòi hỏi việc tự do hoá hơn nữa trong chính sách lãi suất và hối đoái.
Do đó, sau những tiến bộ trong đầu năm 2010, tiến trình quốc tế hoá đồng NDT trong những tháng tới sẽ trở nên trầm lắng hơn./.

Theo : Toquoc.gov.vn

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...