Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Góc nhìn khác về "Cuộc đua" lãi suất

Tính đến chiều 10-12 đã không còn ngân hàng (NH) nào áp dụng "lãi suất huy động (LS) khủng" tới 17% như Techcombank khởi xướng bởi NHNN đã chính thức "ra tay". Thậm chí các ý kiến được trích cũng như xu hướng đưa tin của một số tờ báo đều nghiêng theo hướng phê phán những NH từng đẩy LS lên cao, hoặc đang "thoả thuận ngầm" với người gửi tiền.

Lý do là bởi các quan chức NHNN cho rằng nếu LS tăng sẽ dẫn đến chi phí đầu vào của DN tăng khiến giá thành tăng nên để hạn chế lạm phát thì "thổi còi" cuộc đua LS là đúng. Về cơ bản lý luận đó không sai, song nó đã mặc nhiên ném lợi ích của những người gửi tiền ra lề đường, bởi chỉ số CPI năm nay chắc chắn trên 10%, cộng với hai lần "nới" tỷ giá 5,5% thì mức "đồng thuận" 12% mà Hiệp hội ngân hàng đưa ra đã không mang đến "LS thực dương" như dự kiến. Vậy trước hai lợi ích đó, đâu là số đông cần quan tâm?

Hơn thế, nhiều chuyên gia đã chứng minh yếu tố lạm phát của Việt Nam xuất phát từ chính sách tiền tệ chứ không phải từ bên ngoài. Đơn giản là NHNN đã "bơm" quá nhiều tiền vào nền kinh tế (nhằm mục tiêu tăng GDP) trong khi tốc độ cung hàng hoá không tăng tương ứng, và điều đó dẫn đến lạm phát. Điều đó có thể thấy rõ qua số liệu đầu tư công thiếu hiệu quả hoặc các chi phí lễ hội tràn lan khiến cho cung tiền tăng mà không có hoặc có quá ít hàng hoá được làm ra. Vì thế giảm lượng tiền đang lưu thông, hoặc tăng lượng cung hàng hóa đều là giải pháp chống lạm phát. Cho nên, trong ngắn hạn nếu thu bớt tiền về thì dĩ nhiên cán cân tiền – hàng sẽ cân bằng, song hệ luỵ thấy rõ là LS có thể tăng ở một số NH thiếu tiền, nhưng khi huy động đủ LS sẽ giảm.

Còn một khi NHNN can thiệp, "bơm" tiền ra để LS giảm thì có khi lạm phát sẽ nặng nề hơn. Trong cuộc họp báo đầu tháng 11, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Lê Đức Thuý nói rõ, sức ép giảm LS đã khiến cho uy tín của VND giảm. Việc NHNN chỉ đạo các NHTM phải đưa LS còn 10% và cho vay 12% trong khi lạm phát có xu hướng tăng từng khiến cho các NHTM vừa treo LS 11% nhưng vừa phải tăng khuyến mãi, chứng tỏ sự méo mó trong điều hành. Điều này làm cho người dân buộc phải nghĩ tới giải pháp nắm giữ vàng, ngoại tệ để bảo toàn tài sản.

Mặt khác, khi chuyển hướng cho thả nổi LS, ông Thuý đã dự liệu rằng DN khi đi vay sẽ tự biết cân nhắc, nhưng điều đó lại giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo được lòng tin lâu dài và tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Hơn thế việc cơ chế LS thỏa thuận đã được quyết làm từ năm 2002 theo Nghị quyết trung ương, nay trở lại cơ chế mệnh lệnh hành chính sẽ là bước tụt lùi lớn.
Theo : Bút lông 's Site

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...