Lo ngại lạm phát
Nhận định trên do Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) Hank Tomlinson đưa ra sáng nay (2/12) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - diễn đàn thường niên đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trước thềm Hội nghị Nhóm các nhà tư vấn tài trợ (CG).
Thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài phần lớn nhờ vào kỳ vọng về sự ổn định kinh tế và chính trị. Song, theo ông Hank Tomlinson, cách tiếp cận của Chính phủ đối với chính sách kinh tế và tiền tệ đang "đặt ra các vấn đề về tín nhiệm và lòng tin".
Theo ông, những dự đoán về việc đồng Việt Nam mất giá liên tục khiến người dân và doanh nghiệp không còn muốn giữ tiền đồng, khiến cho tiền đồng ngày càng trở nên mất giá trị với vai trò là tài sản lưu giữ, ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng.
Ông khuyến nghị việc phổ biến chính sách tiền tệ rõ ràng, minh bạch giúp tăng cường lòng tin vào quản lý kinh tế vĩ mô.
Amcham cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng lạm phát ngày càng tăng. "Áp lực tăng lên về giá ngày càng tăng trên mọi mặt gây ra áp lực giảm giá trị đối với tiền đồng", ông nói.
Trấn an các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định "chính sách tiền tệ của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát". Theo ông Đông, kinh tế Việt Nam năm qua đã bước đầu phục hồi, sớm ra khỏi suy giảm, dù vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và khó khăn. GDP quý sau phát triển cao hơn quý trước theo trình tự 5,8 - 6,4- 7,16 và 7,2%. Cả năm 2010 GDP đạt 6,7%, cao hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra là 6,5%.
"Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đạt nhiều thành tựu cơ bản và hoàn thành nhiều mục tiêu đưa ra của 2010... Kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, cán cân cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo", ông nói.
Cùng khẳng định các kết quả đạt được song Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc thừa nhận vấn đề lạm phát và giá cả, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, vấn đề tiền tệ và tỷ giá đang là các thách thức lớn của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay.
6 tháng chờ đợi và 1 giấy phép
Thay vì các "nút thắt" quen thuộc về nhân lực, hạ tầng... các doanh nghiệp năm nay nhấn mạnh nhiều vào các giải pháp về điều hành như cải cách thủ tục hành chính.
Báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2010 công bố tại Diễn đàn cho hay hơn 65% doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện về thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, giải pháp hàng đầu mà cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là "tiếp tục cải cách hành chính, bãi bỏ các giấy phép, quy định, thủ tục không cần thiết hay không nhất quán".
Một số doanh nghiệp tỏ ra "sốt ruột" về cải cách hành chính, than phiền việc bộ máy thiếu chuyên nghiệp, khiến chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả đang tăng lên. Có quy định ở trên thì tốt nhưng về cấp địa phương thì thực hiện "rất méo mó và chậm trễ", việc thực hiện thủ tục vẫn nặng về "xin - cho"...
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) Alain Cany kiến nghị Chính phủ áp dụng mô hình "một cửa" cho thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép đầu tư. Ông cho hay các nhà đầu tư đã phải đợi từ 5 đến 6 tháng để có được một giấy phép đầu tư tại Việt Nam trong khi các nước khác trong khu vực chỉ mất có 5 hoặc 6 tuần.
Phát triển hạ tầng giá rẻ bằng mọi giá?
Có nên phát triển hạ tầng giá rẻ bằng mọi giá để thu hút đầu tư nước ngoài là vấn đề mà Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nêu tại Diễn đàn. Theo Hội, vấn đề thu hút đầu tư cần được đánh giá lại và có điều chỉnh khi hiện có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn nước ngoài, chỉ sử dụng đất đai, lao động giá rẻ, tiếp cận nguồn năng lượng, cơ sở hạ tầng giá rẻ do chính phủ ra sức đầu tư.
Trong khi đó, nhà đầu tư hầu như không phát triển và sử dụng công nghiệp phụ trợ địa phương, ít đóng thuế do khéo léo chuyển giá, sau đó để lại một nguồn nhân lực "kiệt quệ" và nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, cũng như môi trường xã hội.
Về cơ sở hạ tầng, theo ước tính, Việt Nam dự kiến cần khoảng 70 đến 80 tỉ USD để đầu tư riêng vào cơ sở hạ tầng cho đường bộ, đường xe lửa và cảng biển trong 2 đến 10 năm tới. Amcham cho rằng, vẫn có những "thiếu hụt" trong phát triển cơ sở hạ tầng then chốt, đặc biệt là các con đường nối liền các tỉnh, thành, cầu, kể cả các đường tiếp cận, điện năng, các cảng biển có vị trí chiến lược và các cơ sở hạ tầng trên đất liền có liên quan và phương tiện vận chuyển công cộng liên tỉnh như đường sắt lân cận các cảng đó.
Để nâng cấp cơ sở hạ tầng, Eurocham kiến nghị các dự án hợp tác đối tác công tư như nhân tố quan trọng chính để Việt Nam nâng cải thiện tình hình.Theo : taichinhthegioi.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét