SGTT.VN - Đó là điều mà TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lấy làm tiếc. Theo ông Thành, mặc dù, thông điệp lấy “ổn định kinh tế vĩ mô” làm trọng đã được Chính phủ đưa ra từ năm 2009 nhưng vì chạy theo tăng trưởng nên đã bỏ lỡ cơ hội làm tốt điều này từ cuối tháng 6.2010.
Ông Thành nói:
Theo TS Võ Trí Thành, khi chúng ta thắt chặt tiền tệ, thường các ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản. Vì thế, ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất huy động, buộc các ngân hàng khác tăng theo, lãi suất sẽ cao lên. Ảnh minh hoạ. Ảnh: L.Q.N | <><><> >>>>
Cuối tháng 6, đầu tháng 7, nền kinh tế bắt đầu có sự ổn định nhưng vì chạy theo tăng trưởng, chúng ta lại bắt đầu nới lỏng tiền tệ. Khi đó, chúng ta đã vội khẳng định tăng trưởng Việt Nam cả năm là 6,7 – 6,8%. Chính việc nới lỏng tiền tệ đã gây khó khăn hơn cho giai đoạn hiện nay, làm bất ổn kinh tế vĩ mô, lòng tin VND giảm.
Như vậy, theo quan điểm của ông, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7 – 7,5% mà Quốc hội đặt ra cho năm 2011 là quá cao?
Rõ ràng, Quốc hội đã nghiêm khắc hơn khi đặt ra các chỉ tiêu. Nhưng tôi thấy, vẫn hơi tham vọng. Quốc hội vẫn đưa ra GDP năm tới là 7 – 7,5%/ năm nhưng mở ngoặc là 8% khi có điều kiện cho phép.
Xác định mục tiêu chính là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao thì rất khó thực hiện.
Tôi nghĩ GDP năm tới chỉ nên tăng từ 6,5 – 7%. Tăng trưởng nền kinh tế hiện nay nói chung phụ thuộc vào đầu tư ngân sách. Cách tăng trưởng này không góp ích gì nhiều vào mục tiêu tái cơ cấu.
Nếu điều chỉnh GDP xuống thì lạm phát năm 2011, theo tôi chỉ khoảng 6 – 6,5% là vừa. Và trong hai, ba năm tới nên khống chế khoảng 4 – 6%. Lúc đó, nhìn vào tỷ giá, chênh lệch giữa Việt Nam và các đối tác thương mại từ 2 – 3%; mức áp lực mất giá tiền Việt Nam chỉ 2 – 3% (so với USD – nhìn dưới góc độ thương mại). Đây là con số đẹp để chúng ta điều chỉnh chính sách vĩ mô.
Còn cứ như hiện nay, lạm phát 10%, lãi suất huy động VND 12%, lãi suất USD thấp thì khó tránh khỏi đầu cơ và khó làm cho chính sách nhất quán được.
Chúng ta đều biết, Trung Quốc tăng trưởng thực 10%/năm mà lạm phát mục tiêu của họ là 4%/năm. Với mức lạm phát như vậy thì chính sách lãi suất và tỷ giá mới nhất quán với nhau được và giảm được đầu cơ.
Đấy là chuyện đã qua, còn các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hiện nay của Chính phủ, ông có bình luận gì?
Chính phủ đã nhận ra cái cần làm ngay là phải ổn định kinh tế vĩ mô nên hành động rất quyết liệt. Về cơ bản, các chính sách đó là tốt. Điều tôi thấy chưa tốt là “thông điệp chính sách”.
Thứ nhất, về thông điệp bình ổn giá, trong nền kinh tế thị trường, nên dựa vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá (hai chính sách cơ bản nhất) và chính sách tỷ giá hơn là biện pháp hành chính. Có thể tại thời điểm nào đó như thiên tai thì phải dùng biện pháp hành chính để ổn định cuộc sống cho dân.
Thứ hai, thông điệp về tỷ giá chưa tốt. Thông điệp “ổn định tỷ giá từ nay đến tết Nguyên đán” là rất dở, sẽ khiến dân đặt câu hỏi sau tết thế nào, nên áp lực sẽ rất lớn. Đáng lẽ chỉ nói là: “ổn định tỷ giá trong một số tháng tới”. Tức là không thể nói chi tiết mấy tháng.
Vậy nên “ứng xử” thế nào với vấn đề tỷ giá?
Vừa qua có hai phương án để điều chỉnh tỷ giá. Cuối cùng chúng ta đã can thiệp. Vì tỷ giá thị trường chợ đen khoảng 21.500 đồng/USD hiện nay là do bị cuốn theo vòng xoáy của giá vàng. Mà giá vàng do thế giới quyết định. Rõ ràng Việt Nam không thể chạy theo tỷ giá đó được. Nếu phá giá vào thời điểm đó, thị trường vẫn không tin đó là điểm dừng và chúng ta sẽ lại rơi vào vòng xoáy đôla hoá, mất giá, lạm phát như những năm 1990, chưa nói đến ảnh hưởng đến chính trị xã hội.
Nhưng sau khi can thiệp rồi, lại xuất hiện tình trạng chênh lệch giữa thị trường chính thức và thị trường không chính thức khá lớn. Nếu để chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường quá lâu sẽ không được. Lịch sử thế giới và khoa học chứng minh nếu mức chênh lệch giữa hai thị trường khoảng 3 – 5% từ 4, 5 tháng trở lên đã không ổn huống hồ chênh lệch 10% như bây giờ ở Việt Nam. Nó sẽ liên quan đến vấn đề nền tảng, lạm phát, thâm hụt ngân sách, cán cân thanh toán quốc tế, áp lực mất giá đồng tiền và làm méo mó phân bổ nguồn lực.
Vấn đề lãi suất cũng đang nóng, thì sao, thưa ông?
Ít nhất từ nay đến hết quý 1/2011, lãi suất khó có thể kéo thấp được do đang thắt chặt tiền tệ.
Tôi phải nói thêm rằng, thị trường tiền tệ Việt Nam chưa tốt. Ở các nước khi nói đến lãi suất là hàm ý thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ rõ ràng ngay. Nhưng ở Việt Nam, lãi suất và tổng cung tiền tăng bao nhiêu thì nhiều khi không đúng quy luật đó. Tức là khi lãi suất tăng thì chưa chắc cung tiền đã giảm một cách tương ứng. Nên Việt Nam luôn có một điều rất quan trọng là chăm chú vào mục tiêu tăng cung tiền tệ là bao nhiêu. Năm nay, mục tiêu tăng cung tiền chắc sẽ vượt 1 – 2% so với kế hoạch 25%. Nhưng năm tới ẩn số đấy đến nay vẫn chưa có một công bố chính thức nào.
Vậy theo ông, cần làm gì để khắc phục cái chưa tốt đó?
Điều quan trọng hiện nay trên thị trường tiền tệ là cung tiền tệ cộng lãi suất cao hay không và cái nữa là lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn trên thị trường mở. Ở Việt Nam có cái hơi “đau khổ” về mặt kỹ thuật là khi chúng ta thắt chặt tiền tệ, thường các ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản. Điều đó, buộc họ phải vay qua thị trường tiền tệ và phải trả lãi suất cao từ ngân hàng lớn nhưng cũng có quy định không được vay quá 20%. Vì thế, ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất huy động, buộc các ngân hàng khác tăng theo, lãi suất sẽ cao lên. Điều này nhiều khi hơi vượt ra ngoài kiểm soát. Do vậy, cần điều chỉnh lại một số quy định đối với thị trường tài chính.
Về chính sách, trong hoạch định chính sách Việt Nam, không thấy chính sách tiền tệ ở đâu, nhưng trong cuộc sống hàng năm thì người ta không nói gì đến chính sách tài khoá chỉ nhăm nhăm nói chính sách tiền tệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét