Lạm phát tăng mạnh đẩy giá hàng hóa lên cao, làm cho doanh nghiệp khó cạnh tranh trên trường quốc tế."Ông Lương Hoàng Mãnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Mê Kông (AAM), cho biết trong quý III vừa qua, doanh thu bán hàng của AAM chỉ đạt 129 tỉ đồng, giảm gần 21% so với quý III năm ngoái, trong khi các chi phí đầu vào tăng lên, làm cho lợi nhuận sau thuế của đơn vị bị giảm gần 44% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi tăng mạnh trong tháng 9, dự kiến trong tháng 10 và đến cuối năm nay, lạm phát sẽ còn tiếp tục leo thang. Điều đó dẫn đến hệ quả là giá các mặt hàng trên thị trường bị đẩy lên mức cao mới, làm tăng chi phí đầu vào nên giá thành sản phẩm của doanh nghiệp (DN) sẽ tăng thêm, tạo ra nhiều bất lợi khi cạnh tranh với hàng xuất khẩu của các nước khác. Ngoài dầu thô, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu khác gồm: gạo, thủy hải sản, dệt may, da giày, nhựa, điện tử...
Từ đầu năm đến nay, tỉ giá USD đã tăng 5,2%. Về lý thuyết, khi tỉ giá USD tăng như vậy, các DN xuất khẩu sẽ được hưởng lợi song thực tế không phải vậy. Vì giá USD tăng sẽ tạo ra áp lực đẩy giá hầu hết các mặt hàng khác tăng theo, tạo ra phản ứng dây chuyền, làm cho lạm phát càng thêm mạnh.
So với đầu năm, giá nhiều mặt hàng đã tăng rất cao, như: hàng thủy hải sản tươi sống và gạo giá đã tăng 15% - 20%; các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu như: thép, bông, vải sợi, hạt PE, phân bón, thuốc trừ sâu... giá cũng lên cao hơn mức tăng USD. Ngoài ra, cước vận tải, giá điện, nước... cũng leo thang mạnh, làm cho hàng hóa Việt Nam càng khó bán ra nước ngoài, dẫn đến thâm hụt thương mại nghiêm trọng.
Trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 51,5 tỉ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi xuất khẩu chưa sáng sủa, việc nhập khẩu lại không ngừng tăng lên, làm cho cán cân thương mại bị thâm hụt 8,6 tỉ USD.
Do nhập siêu cao, nhu cầu mua USD trên thị trường tăng mạnh sẽ làm cho tỉ giá USD vọt lên và tiếp tục tạo ra vòng luẩn quẩn mới, tức là lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên, giá vật tư hàng hóa lại bị đẩy lên mức cao mới và DN lại tiếp tục khó khăn khi xuất khẩu...
Lãi vay ngốn hết lợi nhuận
Trong số hơn 600 DN niêm yết trên sàn chứng khoán, lượng đơn vị kinh doanh xuất khẩu chiếm tỉ lệ còn khiêm tốn. Vì nguồn vốn tự có ít, các DN thường phải vay vốn ngân hàng với mức lãi cao để phục vụ đầu tư cơ sở sản xuất, mua dự trữ nguyên liệu nên lợi nhuận càng xuống thấp. Đặc biệt, những đơn vị sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hoạt động càng khó khăn.
Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM), vốn chủ sở hữu chỉ có 549 tỉ đồng nhưng vốn nợ lên đến 1.147 tỉ đồng nên dù doanh thu mỗi quý đạt trên 400 tỉ đồng nhưng do chi phí vốn vay cao nên lợi nhuận đạt rất thấp. Trong 4 quý vừa qua, công ty chỉ đạt 82 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tính ra EPS chỉ có 2.100 đồng/cổ phiếu.
Trong giá trị tổng tài sản 2.400 tỉ đồng của Công ty Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 700 tỉ đồng, còn lại 1.700 tỉ đồng là nợ (trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn). Do hệ số nợ cao nên lợi nhuận TTF làm ra phải dành phần nhiều để trả lãi vay nên lợi nhuận ròng đạt thấp. Trong 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế của đơn vị chỉ đạt 60 tỉ đồng nhưng tiền lãi trả ngân hàng lớn hơn nhiều.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Anh Tuấn, lãi suất tín dụng cao cũng góp phần đẩy mạnh lạm phát, làm cho DN thêm khó khăn. Bao giờ lãi tín dụng được kéo xuống mức thấp tương đương các nước, lúc đó hàng xuất khẩu của Việt Nam mới có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét