Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Thị trường cạnh tranh không lành mạnh

Việc Bộ Công Thương mới đây đưa ra báo cáo cạnh tranh trong 10 lĩnh vực của nền kinh tế cho thấy phần nào bức tranh về sức cạnh tranh của 10 lĩnh vực được xem là “xương sống” của nền kinh tế. Đây có thể coi là thước đo để các DN, các nhà quản lý điều chỉnh chính sách quản lý ngành, quản lý cạnh
tranh và chiến lược hay quyết định kinh doanh. Bởi suy cho cùng, người thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng.

10 lĩnh vực được đánh giá bao gồm 5 ngành sản xuất là sữa, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, phân bón và 5 ngành dịch vụ là ngân hàng, bảo hiểm, xăng dầu, viễn thông và hàng không. Trong đó, khu vực sản xuất được đánh giá là có nhiều hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh hơn.
Nhận định về tình hình cạnh tranh không lành mạnh của một số lĩnh vực, ông Lê Minh Hà - chuyên gia tư vấn của Cục Quản lý cạnh trạnh cho biết, một số sản phẩm như sữa bột nhập khẩu, thép xây dựng, phân bón... vẫn còn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh như quảng cáo không đúng với thực tế.

Nhiều bất cập
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay trên thị trường nhiều mặt hàng chưa có sức cạnh tranh cao, vẫn mang nặng tính độc quyền ở một số mặt hàng. Thậm chí còn có sự liên kết của các DN để thao túng giá và cuối cùng thì phần thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng. Tất cả các loại phí, chênh lệch giá giữa các nhà sản xuất, phân phối... cuối cùng vẫn đổ lên đầu người tiêu dùng.
Một ví dụ rõ nhất của vấn đề này có lẽ là mặt hàng sữa. Theo đánh giá, mặt hàng sữa đang ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra các hành vi phản cạnh tranh, gây thiệt hại cho khách hàng. Đó là hiện tượng liên kết chiều ngang để ấn định giá, liên kết chiều dọc để đẩy giá lên hoặc liên kết ghi hóa đơn với giá thấp hơn thực tế để giảm thuế nhập khẩu.
Nhà nhập khẩu sẽ bán sản phẩm với giá cao và để hợp lý chi phí, họ chuyển một phần lớn chênh lệch giá vào chi phí quảng cáo, khuyến mãi, chi phí bán hàng... Tất cả các chi phí đội lên, người tiêu dùng phải gánh chịu.
Một ví dụ nữa là trong lĩnh vực xăng dầu, cả nước hiện có 10 DN kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu nhưng đều là DN nhà nước, trong đó TCty Xăng dầu VN (Petrolimex) chiếm 60% thị phần. Và, hiện nay mặc dù qua nhiều cơ chế quản lý giá khác nhau nhưng xăng dầu vẫn là mặt hàng "một giá" vì chưa có cạnh tranh trên thị trường. Còn nhớ, năm 2008, cơ quan quản lý cạnh tranh đã phát hiện và điều tra xử lý vụ việc liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của Cty Xăng dầu Hàng không (Vinapco).
Và cho đến tận bây giờ, giá xăng dầu trong nước vẫn chưa “song hành” cùng giá thế giới. Đặc biệt, mỗi lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, các DN lại có chung một mức điều chỉnh và gần như trong cùng một thời điểm. Theo báo cáo đánh giá, hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh về việc thoả thuận ấn định giá...

“Thước đo” cho sự điều chỉnh thị trường
Theo các chuyên gia, một trong những cái được nhất của báo cáo này lại không phải là kết quả khảo sát 10 lĩnh vực mà chính là việc thông qua báo cáo này, các DN, các nhà quản lý trong 10 lĩnh vực trên và thậm chí là cả những lĩnh vực chưa được đề cập trong báo cáo, chẳng hạn như: sản xuất ôtô, sản xuất và chế biến thực phẩm, đồ uống; phân phối bán lẻ, điện, nước... có cơ hội để “soi” lại chiến lược kinh doanh và để điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với thị trường.
Bản thân báo cáo này cũng khẳng định báo cáo được công bố nhằm phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư trong và ngoài nước... cũng như các chủ thể đang hoạt động kinh doanh trên thị trường trong việc điều chỉnh chính sách quản lý ngành, quản lý cạnh tranh và chiến lựơc kinh doanh...
Nói như ông Vũ Bá Phú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, báo cáo không chỉ quan trọng đối với cơ quan quản lý cạnh tranh mà còn quan trọng với những người làm công tác hoạch định chính sách. Thông qua đó họ có thể điều chỉnh chính sách phát triển ngành sao cho hài hoá giữa luật và chính sách cạnh tranh của ngành đó, đồng thời đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như hướng tới việc phân bổ nguồn lực thực tế cho nền kinh tế.

Theo : Tintuconline

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...