Trong vòng 10 ngày vừa qua tôi cảm thấy rất băn khoăn nhân hai sự kiện liên quan đến ngân hàng.
Nhả vàng miếng, dấu hiệu gì?
Thứ nhất, báo chí đưa tin Ngân hàng Đông Á đã sáng tạo ra chiếc máy ATM vàng, tức là đã lắp ráp được máy ATM có thêm chức năng bán vàng miếng. Đông Á có kế hoạch sản xuất và lắp đặt tiếp 50 chiếc ATM vàng nữa.
Sáng tạo kỹ thuật để chiếc ATM có thể nhả ra các miếng vàng không mấy phức tạp, sáng tạo ra sản phẩm bán vàng miếng qua ATM quả thực độc nhất vô nhị ở Việt Nam và có lẽ cả trên thế giới.
Nhưng tôi không bị sốc vì các sự sáng tạo có một không hai đó mà vì tai họa mà nó có thể mang lại cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam.
Vàng được dùng làm công cụ lưu trữ giá trị và cũng có thể được dùng làm công cụ thanh toán. Nhìn từ khía cạnh đó, vàng thực sự là một loại tiền. Những ai trên 30 tuổi đều còn nhớ thời lạm phát phi mã vào các năm 1980, nhân dân mất lòng tin vào VND, và vàng đã trở thành công cụ thanh toán khá phổ biến.
Mua bán bất động sản chủ yếu được tính và thanh toán bằng vàng. Rồi VND lấy lại được uy tín, thanh toán bằng vàng bớt đi song vàng vẫn còn phổ biến như công cụ lưu trữ. Lạm phát tăng cao vài năm qua, vàng lại càng lấy lại vị thế, nhất là qua sự nở rộ của các sàn vàng. Ngân hàng nhà nước rất khó kiểm soát loại tiền này và rồi nhà nước cũng phải đóng cửa các sàn vàng.
Ngoài đồng tiền chính thức VND, USD và vàng là hai loại tiền khác khá phổ biến ở Việt Nam. Nền kinh tế nước ta bị đô la hóa và vàng hóa một cách trầm trọng. Chẳng nước phát triển lành mạnh nào để cho tình trạng đó xảy ra, vì nhà nước khó quản lý, chính sách tiền tệ còn ít dư địa hoạt động và có thể gây ra các rối loạn nghiêm trọng trong nền kinh tế.
Sự hiện diện của quan chức cao cấp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại buổi khai trương ATM có thể nhả vàng miếng cho thấy dường như có sự ủng hộ cho việc dùng loại đồng tiền này. Đấy là một dấu hiệu rất xấu trước các giới chức tiền tệ quốc tế cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
Không rõ các quan chức ấy có hiểu ý ngầm mà sự hiện diện của họ có thể gây ra hay không? Lãnh đạo ngân hàng đưa ra sáng tạo này có ý thức được việc làm của mình? Trước các giới chuyên môn, các nhà đầu tư, họ đã làm một cuộc quảng cáo rất tồi tệ về chính mình, về ngân hàng mình và về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên siết chặt việc quản lý vàng miếng và cấm ngặt những sáng tạo tai họa như vậy, bắt ngân hàng đó tháo dỡ ngay chiếc ATM vàng này khi còn chưa muộn.
Mỗi hành động có thể gây ra nhiều tác động. Nhìn thấy các tác động phụ tai họa cũng phải là cân nhắc của các quan chức và cơ quan quản lý.
Biện pháp hành chính, hãy cẩn trọng
Việc thứ hai, cũng có thể có các tác động phụ mà những người soạn và người ký văn bản điều hành có thể chưa lường hết. Đó là Chỉ thị số 1875/CT-TTg ngày 11-10-2010. Chỉ thị gồm chín điểm yêu cầu các bộ, các địa phương thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, tiết kiệm, tăng lượng cung ứng hàng hóa, kiểm soát giá cả, kiểm soát lượng cung tiền cũng như tăng trưởng tín dụng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bất ngờ tăng mạnh trong tháng 9. Để ngăn chặn lạm phát tăng cao, đã ra đời chỉ thị trên. Các biện pháp nêu trong chỉ thị là những việc cần làm, song cách làm bằng các biện pháp hành chính chưa chắc đã có hiệu quả như mong muốn.
Sau đây sẽ chỉ bàn đến khía cạnh có thể chưa hiểu hết, chưa lường hết của biện pháp cuối cùng nêu trên. Chỉ thị viết, "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực tăng giá,..." (NQA nhấn mạnh).
Đây là một hướng dẫn khó hiểu và có thể gây ra hiểu lầm.
Ngân hàng thương mại làm thế nào có thể rút tiền nhanh ra khỏi lưu thông? Họ có thể tăng lãi suất tiền gửi và giảm lượng cho vay. Nhưng như thế mâu thuẫn với đòi hỏi cũng nêu ở chính điểm 4 của chỉ thị yêu cầu ngân hàng nhà nước "điều hành để từng bước giảm lãi suất tín dụng". Tôi nghĩ chẳng ngân hàng thương mại nào lại tuân thủ các biện pháp hành chính như vậy.
Thực ra, việc rút tiền khỏi lưu thông là việc của Ngân hàng Nhà nước bằng tăng dự trữ bắt buộc, bằng phát hành tín phiếu với lãi suất hấp dẫn,… chứ đâu phải việc của các ngân hàng thương mại.
Theo : Tiền phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét