Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Phi đôla hóa: Thách thức đối với Việt Nam

Đô la hóa trong nền kinh tế không phải là gốc rễ của vấn đề, đó chỉ là triệu chứng của vấn đề mà thôi. Gốc rễ của vấn đề là chúng ta đã thiếu niềm tin đối với đồng nội tệ, đồng nghĩa với việc thiếu niềm tin đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô.


Trong một nền kinh tế đang chuyển đổi, một hay nhiều ngoại tệ cùng lưu hành với đồng nội tệ không còn là điều hiếm thấy. Ngoại tệ và đồng nội tệ cùng nhau thực hiện ba chức năng tiền tệ - đơn vị thanh toán, phương tiện trao đổi, và phương thức lưu giữ giá trị. Hiện tượng này được gọi bằng là “Đôla hoá” hoặc “Hiện tượng đa tiền tệ” (MCP).

Theo ông Giovanni Capannelli - Chuyên gia kinh tế cao cấp Học viện Ngân hàng Phát triển Châu Á, Tokyo - khi nhiều loại tiền tệ cùng lưu thông, các cơ quan quản lý tiền tệ phải đối mặt với một số thách thức. Họ không chỉ mất nguồn thu từ việc độc quyền quyết định lượng ngoại tệ lưu thông và gia tăng trên thị trường, mà còn mất khả năng tự do điều hành chính sách tỷ giá và tiền tệ độc lập.
Thêm vào đó, do hiện tượng đa tiền tệ làm giảm khả năng của Ngân hàng trung ương trong việc phát hành đồng nội tệ mà thị trường chấp nhận, nên chức năng bảo lãnh, và cho vay của Ngân hàng trung ương cũng bị hạn chế.

Liên quan tới tình hình của Việt Nam, theo ông Jayant Menon - Vụ Hội nhập Kinh tế Khu vực Ngân hàng Phát triển Châu Á, có hai vấn đề cần quan tâm:
Thứ nhất, những thách thức của quá trình đôla hóa đối với việc quản lý kinh tế vĩ mô khi hiện tượng đôla hóa làm hạn chế tính hiệu quả của việc sử dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Thứ hai, các giải pháp chính sách để phi đôla hóa nền kinh tế. Phi đôla hóa trên thực tế là mục tiêu của Chính phủ và sẽ đem lại những lợi ích lớn trong dài hạn.

Việt Nam đã có những thành công to lớn trong nỗ lực giảm hiện tượng đôla hóa trong nền kinh tế. Theo số liệu của ADB, tỷ lệ đôla hóa trong tổng lượng tiền lưu thông ở Việt Nam là 20%, con số này cho thấy Việt Nam chỉ là quốc gia bị đô la hóa một phần. Tuy nhiên, “một phần” đó cũng tạo ra những hạn chế nhất định, chẳng hạn như hạn chế trong việc triển khai chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.

<><><><><> 
<><><><><> 
Những thách thức trong việc ổn định chính sách vĩ mô, theo ông Jayant Menon, trước hết là việc triển khai chính sách tiền tệ. Vấn đề này rất quan trọng, do chính sách tài khóa bị hạn chế bởi những nhân tố khác và chúng ta không thể nhìn nhận chính sách này ở góc độ ngắn hạn. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ có hạn chế nhất định, nhất là trong bối cảnh hoạt động của thị trường mở ít linh hoạt, nó làm hạn chế nhu cầu đối với các tài sản sinh lời có mệnh giá bằng nội tệ.

“Nếu như người dân lưỡng lự trong việc mua khoản nợ trong nước, có uy tín của ngân hàng trong nước bị hạn chế và nó làm giảm đi nguồn cung đối với tiền tệ. Trong hầu hết các trường hợp, NHNN Việt Nam phải sử dụng biện pháp thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, nếu thay đổi quá nhiều về tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm hạn chế tính hiệu quả trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, đặc biệt là tác động nhiều đến các ngân hàng nhỏ do hạn chế về khả năng tiếp cận thanh khoản” - ông Jayant Menon nói.

Làm thế nào để phi đôla hóa?
Để áp dụng trong trường hợp của Việt Nam, ông Jayant Menon cho rằng cần phải có những biện pháp trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Giải pháp ngắn hạn là cần tăng cường hơn nữa động lực để người dân tiết kiệm bằng tiền đồng thay vì tiết kiệm bằng đồng đô la hay vàng.
Ngoài ra, cần áp dụng tỷ lệ lãi suất khác biệt để khuyến khích việc gửi tiền dài hạn bằng tiền đồng, tránh việc gửi tiền đồng ngắn hạn sau đó rút ra có thể gây nên tình trạng bất ổn; giảm các biến động đột xuất hoặc sự bất ổn tỷ giá ngắn hạn.

Về trung hạn, Việt Nam cần có biện pháp quá độ, có thể bao gồm cơ chế gắn kết tiền tệ (CBA). Cơ chế này càng phù hợp hơn trong bối cảnh khủng hoảng khi các nước vẫn duy trì quyền in tiền của mình, làm giảm những mặt tồn tại vốn lo ngại của Việt Nam, góp phần cải thiện niềm tin đối với đồng nội tệ của Việt Nam.
Tất cả những yếu tố này phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của CBA. Để CBA có uy tín, NHNN cần phải có nguồn dự trữ đủ để hỗ trợ cho CBA, đây là một vấn đề đối với Việt Nam hiện nay bởi Việt Nam đang gặp khó khăn trong dự trữ ngoại tệ.

Đối với giải pháp dài hạn, ông Jayant Menon cho rằng điều quan trọng là phải bảo đảm tính bền vững và hiệu quả trong các chính sách. Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có đang thực hiện quá trình phi đô a hóa nhanh quá hay không? Liệu quá trình phi đôla hóa ở Việt Nam có bền vững hay không?

“Khi thực hiện phi đôla hóa cần phải đảm bảo rằng đó là những bước đi vững chắc và với những kết quả cụ thể. Quá trình phi đôla hóa có thể tạo ra những vấn đề mới, đặc biệt trong việc duy trì sự ổn định về chính sách tỷ giá. Để thực hiện điều này, vấn đề xây dựng niềm tin là rất quan trọng, để tạo niềm tin, cần xây dựng những thể chế phù hợp và phải bảo đảm thực thi nó một cách hiệu quả cũng như cần phát triển thị trường vốn hơn nữa”.

Ông Jayant Menon cũng khẳng định đôla hóa không phải là gốc rể của vấn đề mà chỉ là triệu chứng của vấn đề mà thôi. Gốc rễ của vấn đề là chúng ta đã thiếu niềm tin đối với đồng nội tệ, đồng nghĩa với việc thiếu niềm tin đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, rất khó có thể đặt ra thời điểm cũng như thời hạn cho việc phi đôla hóa, nhưng điều Việt Nam có thể làm được là học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác như lời của ông Stanley Fishcher, Thống đốc Ngân hàng Israel đã nói:
“Dường như, quy mô của hiện tượng đôla hóa, lâu nay gây bất lợi cho sự cải thiện nền kinh tế. Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta có một số ví dụ về những nước đã hạn chế hiện tượng đôla hóa thành công, trong đó có Israel, Ba Lan, Mexico, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Và một số câu chuyện thành công đó có thể thấy tại các nước Mỹ Latinh nơi mà trước đây hiện tượng đôla hóa dường như không thê đảo ngược”.
Theo infoTV

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...