Khẳng định vị thế kinh tế tư nhân
Dành nhiều thời gian phân tích vai trò ưu thế và sự quyết định của kinh tế trong một thế giới cạnh tranh tương lai, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đặt vấn đề: để có thể cạnh tranh được với các nền kinh tế khác, chúng ta cần đột phá nhiều mặt, trong đó ưu tiên đột phá chiến lược về nhận thức, chính sách kinh tế, ngoại giao, lấy kinh tế làm trung tâm của mọi trung tâm. Xác định trọng tâm kinh tế từng giai đoạn, trong đó vai trò tiên phong của đội ngũ doanh nhân rất quan trọng.
Câu chuyện Vinashin vẫn còn nóng hổi, khiến nhiều đại biểu cùng đặt vấn đề liệu có bất công không khi doanh nghiệp nhà nước luôn nhận được những ưu đãi vượt trội hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đưa ra nhiều con số chứng minh sự đóng góp của doanh nghiệp tư nhân, bà Phan Đình Phương Anh - Công ty đào tạo Sandler - cho rằng cần dựa vào kinh kế tư nhân, đó mới là khu vực làm nòng cốt cho sự phát triển.
Theo bà, báo cáo cho thấy khu vực doanh nghiệp nhà nước mỗi năm tạo ra khoảng 9% cơ hội việc làm, điều này rất thấp so với yêu cầu phải giải quyết công việc cho hơn 1,5 triệu lao động mới gia nhập thị trường mỗi năm.
Cùng suy nghĩ này, luật sư Phùng Anh Tuấn đề xuất: “Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước cần được xem lại. Mục tiêu của chúng ta là cần có thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Vai trò chủ đạo nằm ở số thuế doanh nghiệp phải đóng, công việc tạo ra mới là quan trọng chứ không phải xác định ai, khu vực nào là chủ đạo”.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Tập đoàn giáo dục quốc tế FCI - đề nghị trong văn kiện đại hội Đảng cần xác định rõ kinh tế tư nhân trở thành động lực chính của nền kinh tế, vì các nước đều ghi rõ và luật hóa điều này. “Kinh tế tư nhân hiện đóng góp trên 50% GDP cả nước, nếu chúng ta không mạnh dạn khẳng định điều này thì chúng ta càng yếu” - ông nói.
Cần những doanh nhân tham gia quản lý nhà nước
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - phát biểu: “Chúng ta có doanh nhân thành đạt tham gia bộ máy chính quyền nhưng không nhiều, tại sao không thể có những doanh nhân là phó chủ tịch phụ trách kinh tế quận huyện, lãnh đạo sở ngành? Cần gia tăng số doanh nhân tham gia ban chấp hành đảng bộ địa phương, đại biểu HĐND, Quốc hội”.
Ông lý giải khi là một doanh nhân thành đạt, họ sung sức và hội đủ yếu tố để có thể trở thành người lãnh đạo. “Đảng và Nhà nước cần có lộ trình rõ ràng trong việc khuyến khích doanh nhân thành đạt thành lãnh đạo, tôi tin họ sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước ở vị trí này” - ông nói.
Từ một góc nhìn khác, ông Phan Đình Tuệ - Ngân hàng Phương Nam - kiến nghị phải có cơ chế đào tạo, khuyến khích, bồi dưỡng doanh nhân vào Đảng. “Tại sao chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước mới là đảng viên, còn lãnh đạo doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì không?” - ông băn khoăn.
Nhiều góp ý cần cấu trúc lại nền kinh tế, xác định những ngành nghề mũi nhọn, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn lại nên mở rộng để tư nhân phát triển. Cũng có đề nghị xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo chủ doanh nghiệp, đặc biệt khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của người trẻ.
Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Dân vận trung ương Hà Thị Khiết cho rằng những góp ý của doanh nhân trẻ trong tọa đàm khẳng định trách nhiệm, vai trò tiên phong của tuổi trẻ cả nước nói chung, của doanh nhân trẻ nói riêng trong việc cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.
Theo Q.Linh
Tuổi trẻ
Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét