Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Sẽ xuất hiện “cơn lũ” cổ phiếu thưởng?

Khả năng các công ty niêm yết chia cổ tức trong mùa đại hội cổ đông này bằng cổ phiếu thưởng là rất lớn.
Nên giữ lại lợi nhuận
Ngoài hàng loạt công ty gặp khó khăn bởi các yếu tố khách quan dẫn đến không có lợi nhuận thì ngay cả các công ty có lợi nhuận cũng không sẵn tiền mặt để mang ra chia trong thời điểm hiện nay.
Thực tế báo cáo tài chính của nhiều công ty niêm yết cho thấy, một số công ty, lợi nhuận có được chỉ nhờ hạch toán chứ không phải bằng tiền mặt. Một số công ty có lợi nhuận nhưng phải bán tài sản để trả nợ nên không thể chia cổ tức bằng tiền mặt... Tuy nhiên, "luật bất thành văn", điều mà các cổ đông mong chờ trong mùa đại hội cổ đông chính là cổ tức. Các công ty đều biết rõ điều này nhưng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan: tiền không có nhưng cũng không muốn để cổ đông thất vọng, họ phải "cố đấm ăn xôi", tiếp tục in thêm các giấy tờ để trả cổ tức. Hay nói cách khác là trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đó là lý do, nhiều chuyên gia
dự báo, thị trường chuẩn bị đón một "cơn lũ" cổ phiếu từ cổ tức. Theo ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, bản chất của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là không phải chia ngay nên phương án này được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
 
Cổ tức là niềm hy vọng của nhà đầu tư trong mùa đại hội cổ đông - Ảnh: D.Đ.M 
Có thể nói, áp lực cổ tức trên thị trường chứng khoán VN là rất lớn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đầu tư chứng khoán, ngoài việc hưởng lợi từ chênh lệch giá thì sau mỗi năm tài khóa, điều mà nhà đầu tư mong đợi nhất chính là khoản lợi nhuận từ cổ tức. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường ảm đạm kéo dài vừa qua, hầu hết nhà đầu tư bị thua lỗ nên cổ tức được coi là niềm hy vọng cuối cùng để "gỡ gạc" những gì đã mất trước đó.
Nhưng trong tình hình lãi suất cao và thắt chặt tín dụng như hiện nay, ông Chí cho rằng doanh nghiệp nên thuyết phục cổ đông, giữ lại lợi nhuận để duy trì hoạt động, triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh. Đó là chưa kể, theo thống kê, tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay khá cao, trung bình lên tới trên 65%. Có nghĩa là, họ không chỉ đối mặt với việc trả lãi ngân hàng mà còn đối mặt với việc khó tiếp tục tiếp cận vốn từ kênh này. Nên việc giữ lại lợi nhuận có thể giúp cho doanh nghiệp vượt qua được thời điểm khó khăn.
"Dưỡng sức” cho thị trường
Quan trọng hơn, hậu quả của việc phát hành thêm để chia thưởng là giá cổ phiếu bị pha loãng. Khi đó, chính nhà đầu tư sẽ bị thiệt thòi. Bởi nếu nhiều công ty chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, thị trường sẽ đối mặt với một “cơn lũ” cổ phiếu phát hành thêm sau mùa đại hội cổ đông. Khi đó, thị trường chứng khoán có thể còn tệ hơn tình trạng hiện nay. Điều này đã từng xảy ra nhiều lần và bài học từ “cơn lũ” cổ phiếu thưởng không mới với nhiều nhà đầu tư.
Một chuyên gia chứng khoán phân tích, hiện chứng khoán đang có nhiều ưu thế để phục hồi sau sự "xuống hạng" của các kênh đầu tư khác. Cụ thể, đầu tư vàng không còn hấp dẫn sau tuyên bố cấm kinh doanh vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước. Các nhà đầu tư trên thị trường vàng đang dừng lại chờ quyết định mới cho thị trường này; ngoại tệ bị siết chặt với nhiều biện pháp đã đưa giá USD trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do sát lại gần nhau, cộng với mức lãi suất ngoại tệ mới được kéo xuống, đầu tư hay dự trữ ngoại tệ không còn hấp dẫn. Thị trường bất động sản chưa có tín hiệu hồi phục khi tín dụng vào lĩnh vực này đã và vẫn đang được siết lại... Đó là lý do, kênh đầu tư chứng khoán được dự báo có thể sẽ hưởng lợi từ việc này. Đó là chưa kể, việc mất giá quá mạnh, quá lâu của hàng loạt cổ phiếu đã đưa giá chứng khoán ở mức hấp dẫn hơn. Do đó, việc cần làm hiện nay là "dưỡng sức" cho thị trường để khai thác tối đa các lợi thế trên thay vì "đẩy" lên thị trường một lượng cổ phiếu khổng lồ từ chia thưởng cổ tức.
Nếu nhà đầu tư và doanh nghiệp đều nhìn với mục tiêu lâu dài hơn để có một phương án cổ tức hợp lý. Điều này không chỉ có lợi cho cả hai bên mà thị trường cũng không bị ảnh hưởng bởi nguồn cung từ cổ phiếu thưởng.

Theo : Thanhnien.com.vn

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...