Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Lạm phát : Lãi suất cao có chống được lạm phát cao?

(TBKTSG Online) - Ông Paul Gruenwald, kinh tế trưởng khu vực châu Á của Ngân hàng ANZ, cho rằng lãi suất cần phải tăng thêm nữa để kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế cần chậm lại trong một thời gian trước khi quay lại mức tăng trưởng tiềm năng một cách bền vững.

Ông Gruenwald nhận xét như trên tại cuộc hội thảo “Cập nhật tình hình kinh tế và một số giải pháp trên thị trường vốn nợ” do ANZ tổ chức ngày 5-4. Theo ông, lạm phát bắt đầu tăng mạnh từ quí 2 năm 2010 và đến nay đã tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong khu vực châu Á mới nổi.
Nguyên nhân của lạm phát là do sự tăng giá của nguyện liệu trên thị trường thế giới và tăng trưởng tín dụng nhanh tại Việt Nam. Áp lực lạm phát sẽ tiếp tục cao trong năm nay do giá nguyên liệu thế giới tăng cao cộng với việc phá giá tiền đồng và tăng giá điện, giá xăng.
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng đáng kể lãi suất cơ bản và các lãi suất khác sau kỳ nghỉ Tết. Điều này sẽ làm tăng trưởng tín dụng chậm lại và góp phần hạ bớt áp lực lạm phát. Chúng tôi mong Việt Nam sẽ tiếp tục các biện pháp thắt chặt tiền tệ”, ông nói.
Có doanh nghiệp hỏi rằng liệu Việt Nam có thể có cách nào khác để ổn định kinh tế mà không cần tăng lãi suất nữa không. Ông Gruenwald trả lời “không có cách nào khác”. Một số nước khác có thể sử dụng công cụ tỷ giá nhưng đó là đối với những nền kinh tế có độ mở lớn và dự trữ ngoại hối dồi dào trong khi Việt Nam thì thâm hụt thương mại lớn, dự trữ ngoại hối lại thấp nên không thể lựa chọn cách này. Vì vậy Việt Nam chỉ có thể sử dụng công cụ lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Theo ông Gruenwald, kinh tế trưởng của ANZ, thâm hụt thương mại hàng tháng sẽ khó giảm thấp hơn nhiều mức 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011 vì Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào việc nhập máy móc, dầu, và các nguyên liệu đầu vào cho xuất khẩu. Và với áp lực lên cán cân thanh toán, tiền đồng đã bị mất giá hơn 9% trong 12 tháng qua.
Ông cho rằng áp lực giảm giá tiền đồng sẽ còn tiếp tục cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng rằng cán cân thanh toán đang được cải thiện và áp lực lạm phát đang giảm bớt.
Tuy nhiên, ông Gruenwald cho rằng nhìn chung các yếu tố căn bản của Việt Nam vẫn còn có tính tích cực vì Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhờ vị trí địa lý thuận lợi và lực lượng lao động trẻ, có tính cạnh tranh cao. Nếu việc cải tạo cơ sở hạ tầng được thực hiện tốt trong những năm tới sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Thách thức của Việt Nam ở chỗ là đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng cao và kiềm chế lạm phát. “Việc hoạch định chính sách cần tính tới một điều là môi trường bên ngoài không phải lúc nào cũng thuận lợi cho tăng trưởng nhanh và lạm phát thấp”, ông nói.
Theo ông Gruenwald, nếu tiếp tục thực hiện các chính sách như hiện nay thì lạm phát có thể giảm trở lại vào cuối năm nay và theo đó lãi suất cũng sẽ giảm theo. “Nếu lạm phát ổn định trở lại về mức 1 con số và nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi thì tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể trở về mức tiềm năng là 7% - 7,5%”, ông Gruenwald nói.

Share/Bookmark

1 nhận xét:

  1. Chào anh:
    Em đã sử dụng fast 2006 được 3 năm mà chưa biết đổi tên công ty. anh có thể hướng dẫn em với được chứ. Mail của em là: sonsmall2010@gmail.com. Thanks

    Trả lờiXóa

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...