Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Lạm phát : Lãi suất cao có chống được lạm phát cao? -Các ý kiến thảo luận

Liên tiếp tăng, Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng công cụ lãi suất để góp phần chống lạm phát. Nhưng vẫn có ý kiến trái chiều về hiệu quả của nó với thực tế của nền kinh tế Việt Nam.


Tính đến lần điều chỉnh ngày 31/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần liên tiếp tăng các lãi suất điều hành kể từ đầu năm, với mức độ điều chỉnh mỗi loại khác nhau. Thông điệp chính sách tiền tệ thắt chặt góp phần kiềm chế lạm phát được phát đi rõ ràng, công cụ cụ thể là lãi suất.Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng Thế giới.


Thưa ông, ở vấn đề trên, việc liên tiếp tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vừa qua nhằm mục đích kiềm chế lạm phát là có hợp lý không? Và tại sao?

Quả thực rất khó để đánh giá một chính sách kinh tế là hợp lý hay không ngay khi nó được thực hiện bởi trong thực tế điều hành chính sách chúng ta chỉ có thể chọn một trong số nhiều lựa chọn mà kết quả của nó thì chúng ta chỉ có thể biết sau một thời gian và không có cơ hội so sánh với những lựa chọn khác.

Quan điểm của tôi về lựa chọn chính sách lãi suất trong bối cảnh nguy cơ lạm phát cao đã được trình bày trong những nghiên cứu về chủ đề này vào khoảng tháng 11/2010. Trong các bài nghiên cứu, tôi đã đặt ra câu hỏi và trả lời cho 3 vấn đề quan trọng trong mối quan hệ nêu trên.

Trong bài nghiên cứu thứ nhất, tôi đưa ra câu hỏi liệu có đúng chính sách lãi suất cao chống được lạm phát cao - chính là câu hỏi bạn đang hỏi tôi? Câu trả lời của tôi là đúng theo sách nhưng chưa phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Điều đó là vì khi mặt bằng lãi suất cao, tăng thêm lãi suất sẽ làm tăng mức độ rủi ro trong nền kinh tế, tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và dẫn tới đình đốn sản xuất, thất nghiệp. Nếu bạn để ý thì công thức cổ điển “lãi suất cao chống lạm phát cao” được hình thành từ thực nghiệm tại các nước phương Tây, nhưng mặt bằng lãi suất và lạm phát tại các quốc gia đó thường ở mức rất thấp và do vậy mặt bằng lãi suất tăng thêm một chút không dẫn tới việc các doanh nghiệp phải rời bỏ sản xuất.

Nhưng tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất đã ở mức quá cao, nếu áp dụng công thức sách giáo khoa nêu trên thì nguy cơ lạm phát do cầu kéo trở thành lạm phát chi phí đẩy là hiện hữu. Tôi đã gọi điều này là “vòng luẩn quẩn” trong nghiên cứu của mình.

Bên cạnh đó, việc cho vay cá nhân thường chiếm tỷ trọng cao so với cho vay doanh nghiệp tại các quốc gia phương Tây trong khi tại Việt Nam thì ngược lại cũng là một yếu tố chi phối sự hiệu quả của của công thức nêu trên.

Trên thực tế, trong giới nghiên cứu thế giới cũng đã có những bài nghiên cứu về chủ đề tương tự và kết luận thường thấy là trong điều kiện mặt bằng lãi suất cao thì công thức cổ điển là không hiệu quả.

Nhìn lại thực tế Việt Nam thời gian qua có thể thấy rằng Chính phủ đã theo đuổi chính sách ổn định vĩ mô để chống lạm phát và mặt bằng lãi suất thực tế đã tăng lên, lạm phát cũng chưa có dấu hiệu giảm. Theo tôi, còn quá sớm để kết luận về tính hiệu quả của lựa chọn chính sách, nhưng dù thế nào thì tôi cũng nhấn mạnh rằng sẽ không có lựa chọn hoàn hảo.

Vậy theo ông, đâu là một chính sách lãi suất hợp lý đối với Việt Nam ở thời điểm này? Xa hơn, làm sao để hạ được lãi suất?

Câu hỏi của bạn phù hợp với các câu hỏi khác trong các bài nghiên cứu nêu trên của tôi, bao gồm mức lãi suất bao nhiêu là phù hợp và làm thế nào để giảm lãi suất.

Trong các nghiên cứu của mình, tôi có lập luận rằng lý do dẫn tới nguy cơ lạm phát và vòng luẩn quẩn chủ yếu là do năng lực của nền kinh tế thể hiện qua chỉ số ICOR và tỷ suất đầu tư trên tăng trưởng quá cao. Nói cụ thể hơn thì đã có những khu vực không hiệu quả và hiệu quả nhưng lại được đánh đồng như nhau. Do vậy, một cách lý tưởng thì dòng tín dụng phải được khơi thông tới các khu vực sử dụng vốn hiệu quả và hạn chế các khu vực làm ăn không hiệu quả. Còn nếu chúng ta cân nhắc nền kinh tế như là một tổng thể chung thì chính sách lãi suất không nên quá cao hoặc quá thấp.

Tôi cũng đã đưa ra một tính toán cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nền kinh tế Việt Nam khi ổn định vĩ mô đạt được nên nằm trong khoảng 11 - 14% và hệ thống ngân hàng hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Về việc làm thế nào để giảm lãi suất thì một trong những khuyến nghị trong nghiên cứu của tôi là việc “xóa bỏ trạng thái tiền rẻ” của các ngân hàng thương mại cổ phần lớn có được do chênh lệch giữa tỷ suất trái phiếu Chính phủ cao hơn lãi suất tái chiết khấu. Những điều chỉnh trong tháng 3/2011 đã đưa mức lãi suất tái chiết khấu cao hơn tỷ suất trái phiếu chính phủ và tôi nghĩ rằng điều này là tốt mặc dù trước đó thì các biện pháp thắt chặt tiền tệ đã làm thay đổi nhiều các biến số kinh tế khác so với thời điểm tôi nghiên cứu.

Ông có thể nói rõ hơn ở điểm chính sách tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát tại Việt Nam?

Sự lựa chọn chính sách nào cũng có những mặt trái và thực tế thì chúng ta không nên tranh luận về việc chính sách tiền tệ như thế nào là hợp lý nữa. Chính phủ thực tế đã theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt thì tôi nghĩ cần phải thực hiện điều này một cách quyết liệt nhưng có định hướng, tránh tạo cảm giác không chắc chắn cho người tiêu dùng.

Nhìn vào mối quan hệ “dùng công cụ là chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát”, nếu coi lạm phát là “gà” thì chúng ta cần phải khoanh vùng xem “gà” sẽ chạy đến đâu chứ không thể để gà chạy tự do và dùng công cụ tiền tệ để đuổi theo nó.

Lấy một ví dụ khá đơn giản là giá xăng dầu. Khi chúng ta tăng giá xăng dầu thì chúng ta giải thích là vì giá thấp hơn so với các nước láng giềng. Nhưng khi tăng xong rồi chúng ta cũng vẫn nói tăng như thế là vẫn còn thấp hơn thì người dân sẽ nghĩ rằng còn tăng tiếp. Tại sao chúng ta không tăng một lần cho bằng hoặc đơn giản là nói rằng giá vẫn thấp hơn nhưng cam kết không có lần tăng giá nào nữa cho đến cuối năm.

Nếu chúng ta không định hướng người tiêu dùng về việc con gà lạm phát sẽ chạy đến đâu, thì rõ ràng điều này không khác gì để nó chạy tự do và chính sách tiền tệ sẽ liên tục phải đuổi theo nó.


Với hoạt động của doanh nghiệp, chi phí vay vốn đang bị đẩy lên cao, trong khi kỳ vọng hạ lãi suất vẫn chưa có tín hiệu và lạm phát vẫn đang diễn biến phức tạp.
Hồi đầu năm, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước từng nói rằng, khi lạm phát cao xuất hiện, cùng với chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thắt chặt là một giải pháp nhằm đánh vào tổng cầu. Lựa chọn thời gian qua và hiện nay là tăng lãi suất, thay vì dự trữ bắt buộc vì tính ảnh hưởng rộng lớn của nó.

Cũng theo thông tin từ đại diện nhà điều hành, khi thực hiện giải pháp trên, có một khó khăn mang tính luận điểm xuất hiện trên thị trường, được cho là một ý thức hệ mới cần được phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng. Đó là “làn gió ngược” khi cho rằng tăng lãi suất lên cao chưa hẳn đã kiềm chế được lạm phát, gắn với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, thậm chí có thể còn truyền dẫn thêm áp lực vào lạm phát…

Trước phản biện này, được biết Ngân hàng Nhà nước đã tham vấn ý kiến của chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB). Kết quả là không thấy có đúc kết nào như vậy ở các quốc gia trên thế giới.

Xoay quanh quan điểm phản biện đó, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với TS. Quách Mạnh Hào, công tác tại Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) và Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Hào cũng là người có những nghiên cứu cụ thể về vấn đề này công bố trong thời gian gần đây. Và một điểm thú vị là trong nghiên cứu của mình, chính ông Hào đã trích dẫn một nghiên cứu cùng quan điểm với ông được đăng ngay trên

Các ý kiến thảo luận :

Thiện Kế 09:43 (GMT+7) - Thứ Tư, 6/4/2011 Tôi hoàn toàn đồng ý với TS Hào là muốn chống lạm phát thì phải tăng lãi suất, đó là lý thuyết rất cơ bản của kinh tế vĩ mô được biên soạn trong giáo trình mà bất cứ Trường Đại học nào cũng đang áp dụng.

Xét trong điều kiện của Việt Nam, xin được trao đổi với Tiến sĩ và độc giả về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất cho vay đang rất cao, nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì cần khống chế trần lãi suất cho vay chứ ai lại đi khống chế trần lãi suất huy động.

Thứ hai, gần đây báo chí nói rất nhiều đến mặt bằng lãi suất huy động đang từ 16 đến 18,5%, điều này cũng rất dễ kiểm chứng.

Thiết nghĩ, lạm phát cao thì lãi suất huy động cao cũng là điều dể hiểu, phần nào bù đắp thiệt hại cho người dân gửi tiết kiệm. Lãi suất thực dương thì tiết kiệm mới hấp dẫn, người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều thì mới góp phần chống được lạm phát.

Mặt khác, nếu người dân không gửi tiết kiệm do lãi suất không hấp dẫn thì sẽ mua vàng, ngoại tệ, tích trữ hàng hóa... thì lại càng làm lạm phát gia tăng.

Nếu không sớm để lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường, theo tôi lạm phát vẫn còn tiếp diễn.
Tran Anh Vuong 09:24 (GMT+7) - Thứ Tư, 6/4/2011 Tôi không đồng ý với nhận định của Duc Anh về việc LS của VN hiện đã quá cao và DN sẽ không dám vay tiền nữa.

Ở đây phải thấy 1 thực trạng là DN là 1 thực thể hoạt động sống, đã gọi là sống thì luôn phải hoạt động, khỏe thì đi lại nói năng chém gió, yếu hơn chút thì ngồi lỳ, đôi lúc yếu quá nằm bẹp tuy nhiên mũi vẫn phải thở, tim vẫn phải đập và dù biết rằng bệnh ung thư thật khó chữa nhưng các con cháu cụ vẫn phải truyền máu, truyền nước...

Như thế để giải thích một cách hình tượng cho cuộc sống của DNNVV hiện nay. Họ đã trót đi vay rồi, với các khoản vay kể cả dài hạn để đầu tư nhà máy, mua máy móc công nghệ, lúc ký vay thì LS là 7%/năm nhưng LS này chỉ được đảm bảo theo quý, sau đó LS sẽ phải điều chỉnh theo thị trường. Khi đã vay rồi không thể thích là trả ngay được vì nếu đã có khả năng ấy thì cũng chẳng vay làm gì.

Giống như người bị ung thư đâu phải cứ cắt bỏ khối u là mọi việc sẽ dừng lại và cuộc sống bắt đầu tốt hơn mặc dù ở mức độ thấp hơn.

TS Hào là 1 người trẻ nhưng những nghiên cứu của anh là có trách nhiệm, tôi thấy Vũ Thành Tự Anh cũng có 1 số quan điểm tương tự, đây là những nghiên cứu mang tính chân thực của những người VN thực thụ phát biểu từ bên trong, từ trách nhiệm yêu nước và tôi không nghi ngờ họ có động cơ gì.

Chúng ta có thể dùng chuyên gia nước ngoài ở khá nhiều lĩnh vực nhưng với 1 quốc gia, việc dùng chuyên gia nước ngoài nên hạn chế ở những vấn đề tham khảo nằm ở các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có thể nói là không mang tĩnh vĩ mô cao.

Lắp ráp những nghiên cứu của TS Hào từ cuối 2010 với tình hình tực tế của DNNVV tôi thấy đúng hết, tại bài này TS Hào đã hơi khiêm tốn cho rằng khi làm CS vĩ mô CP chỉ được chọn 1 và sau 1 thời gian mới biết hiệu ứng, kết quả cảu nó, tôi thì nghĩ khác vì cảm nhận của tôi là từ chính các DNNVV, chính nơi hàng ngày chúng tôi đang phải vật lộn với cái chính sách hiện nay và đúng là tất cả những phỏng đoán của TS Hào đã đang hiện diện.

Phiên cuối của quốc hội vừa rồi, bác Cao Sỹ Kiêm cũng đã nói vấn đề này trước quốc hội, nhiều DN cũng nói như là chị Loan - Hà nội, như anh Tâm - Cần thơ, anh gì đó (tôi quên mất tên) PCT hội DNT Việt nam đại biểu Bình dương...

DNNVV hiện đang đi đến những bờ vực, khó khăn đang hiển hiện, thanh khoản không có, hàng hóa dư thừa nhưng không có sức mua, tiền lãi vẫn phải trả hàng ngày, lương thưởng tăng lên, công nhân đình công hoặc nếu không thì lãn công do không đủ sống.,vv và vv.

Chưa có 1 động thái nào để hỗ trợ DNNVV, mới đây nhất CP giao BTC ban hành thông tư cho giãn thuế thu nhập, tôi nghĩ không cần giãn, kể cả có miễn thuế thu nhập DNNVV cũng chẳng cần, vì sao? Họ còn đang chống chọi với phá sản làm sao có thu nhập, khi đã không có thu nhập (lỗ) thì làm gì phải nộp thuế, như vậy có giãn hay thậm chí miễn cũng như không.

Bao nhiêu thứ mà các DNNVV làm ra trong nhiều năm, bao nhiêu tích luỹ của họ để chuẩn bị đương đầu với cơn đổ bộ của WTO mà gần hơn cả là các nhà SX của nước TQ lãng giềng đã không cánh mà bay chỉ trong 10 tháng qua: năm ngoái LS không thể hạ xuống mặc dù CP đã ra sức làm đủ mọi cách, tỷ giá tăng một cách nhanh chóng và không thể dự báo, năm nay 2 thứ trên vẫn thế còn thêm CP đã kêu gọi chống LP và đưa ra chính sách nhưng thực tế thì sao? Mới qua 3 tháng các chỉ số trong "rổ rau" của người dân đã tăng đến 50%, họ đâu có biết cái rổ tính lạm phát của CP gồm những gì mà chỉ ra có 6,5%, họ chỉ biết rroor rau nhà mình bị thiệt hại và tính ra như vậy.

Đến PCT quốc hội Nguyễn đức Kiên còn phải chua chát là "cầm 100 nghìn đi chợ như không có gì" thì mới thấy cuộc sống của người LD, vận mệnh của DNNVV đáng báo động thế nào.

Tôi chưa bao giờ viết lên đây mặc dù rất hay đọc, nhưng hôm nay mạo muội viết vài dòng, cuối cùng trước khi dừng bút tôi muốn dùng kết quả để phản ánh chính sách như sau:

Tôi không phải là người làm CS vĩ mô nhưng nếu 1 chính sách mà trong đó người có tiền đem gửi ngân hàng lấy lãi được lợi nhiều hơn người mang tiền đó đi đầu tư cho sản xuất thì thử hỏi ai còn muốn đầu tư SX vậy chính sách thì nói khuyến khích các DNNVV đặc biệt là DX sản xuất - chính sách đó đúng ở đâu?

Một chính sách mà 1 người không có khả năng gì, không có trình độ gì, suốt ngày ngồi uống cà phê và la cà nghe tin đồn, mua 1 miếng đất phía tây Hà nội sau 1 năm bán đi hơn cả 1 doanh nghiệp hàng trăm người lao động với hàng trăm ngàn thứ kỹ năng, với hàng trăm cái đầu óc được đào tạo bao nhiêu năm trời dưới mái trường, với cả quá khứ làm ăn rất tốt của DN đó trong nhiều năm qua khổ sở vật vã cả năm làm đủ các hợp đồng nọ, L/C kia.,vv như thế sao gọi là chính sách đúng?

TS. Hào cũng nói đến thực tiễn việt nam so với các nước khác, WB trả lời họ chưa có đúc kết nào như thế nhưng bây giờ thử hỏi họ đã có đúc kết nào như thế này chưa, chắc họ cũng sẽ trả lời là chưa vì những nơi họ đúc kết làm gì có những người như ở ta những người kiếm được tiền trong quá khứ bằng nhiều nguồn khác nhau trong đó có cả tham nhũng rồi đem gửi ngân hàng lấy lãi 17-18%, đem bỏ vào đất đai...

Kính các bác!
Thanh Hải 08:25 (GMT+7) - Thứ Tư, 6/4/2011 NHNN cần tăng cường các biện pháp kiểm soát tín dụng, rà soát lai các quy định, quy chế cho vay của các TCTD.

Cho dù là có giảm tỉ lệ tăng trưởng phi sản xuất xuống dưới 18%... nhưng chỉ cần vài thao tác biến hóa nhỏ thì việc cho vay phi sản xuất suất sẽ thành sản xuất ngay...

Điển hình là chuyên đầu cơ đất của các DN vừa và nhỏ, DN gia đình..., chỉ cần 1 vài thao tác thì việc vay đó sẽ chuyển thành vay tài trợ vốn lưu động ngay thôi.

Đây chỉ là 1 trong các thủ thuật của các TCTD nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong hiện tại..., nhưng để lại hậu quả rất khôn lường cho nền kinh tế.
Dinh Tan 22:59 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Tôi đồng ý với quan điểm của ông Hào.

Tôi cho rằng Việt Nam đang trong cái “vòng lẫn quẫn” : “nền kinh tế sản xuất hàng hóa thiếu và yếu cộng với đầu tư nhiều không hiệu quả gây ra “dư tiền” –“thiếu hàng” dẫn đến lạm phát cao.

Chính phủ thấy lạm phát thì tăng lãi suất làm sản xuất càng yếu và thiếu (cộng thêm các loại kinh doanh đầu cơ vì đầu tư chân chính nào cho lợi bằng lãi suất ngân hàng) dẫn đến thiếu hàng thế là lạm phát lại tiếp tục” cứ thế lặp đi lại lạm phát năm này cao hơn năm trước còn tăng trưởng thì ngược lại.

Dĩ nhiên lạm phát cũng có yếu tố bên ngoại nhưng nội tại mới là chính.

Việt Nam đang bị “căn bệnh” trầm kha cần có liều thuốc mang tên “trị lạm phát Việt Nam” từ gốc chứ không phải là máy móc áp dụng của các nước có đặc điểm khác. Liều thuốc này phải có tác dụng trên diện rộng và sâu sắc chứ không phải chỉ trị triệu chứng.
MP 18:53 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Kinh tế hiện đại thì khó mà nói chính sách kinh tế nào hiệu quả hơn chính sách nào, chỉ có thực thi hiệu quả thì mới giúp cho chính sách kinh tế phát huy được tác dụng.

Ở môi trường Việt Nam thì càng khó đoán hơn. Đã đến lúc các nhà làm chính sách cần xem đến chỉ số lòng tin (credibility) của người dân vào chính sách kèm chế làm phát của nhà nước.
Tony Nguyen 17:51 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Theo tôi thấy, hiện nay chính phủ cứ tăng giá xăng liên tục dẫn đến vật giá tăng cao làm cho thu nhập thực tế của ông nhân viên cứ thế giảm theo.

Đặc biệt là những người dân nghèo, họ đã nghèo lại càng nghèo thêm, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao... Mặc dù tiền thuế họ vẫn đóng đủ hằng tháng, hằng năm để duy trì bộ máy điều hành của chúng ta.

Hy vọng trong thời gian tới chính phủ sẽ có những giải pháp thiết thực hơn để người dân thực sự yên tâm và có lòng tin hơn.
Hoàng 17:05 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Túm lại thấy chỗ anh Hào nói về hiệu quả của việc áp dụng lý thuyết tăng lãi xuất để giảm lạm phát chuẩn đấy.

Ở nước ngoài, ví dụ Mỹ lãi xuất là 0.25%, tăng lên 1% đương nhiên là có hiệu quả vì đó là tăng gấp 4 lần. Còn ở VN lãi xuất đang 12% nếu muốn đem lại hiệu quả như vậy thì phải tăng lên gần 50%, điều này là phi thực tế chứng tỏ lý thuyết về mối quan hệ nghịch biến giữa LS và LP ko thể áp dụng trong phạm vi VN hiện nay.

Từ đó có thể kết luận vài xu hướng sau:

1. BĐS toi, (tất nhiên phải đợi ông này ông nọ thoát kẹp đã nhé).

2. Tiếp tục đẩy mạnh CP hóa nhằm đạt được nhiều mục tiêu của CP (cái này muốn nói đủ thì phải viết 1 bài dài, trong đó có phần mà anh Hào đã nói) ---> ko được thắt chặt TTCK.
Nguyễn THụy Hồng Thảo 16:29 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Tôi không dám bàn luận về lý thuyết, học thuyết vì khi nhà nước ra chính sách tăng lãi suất thì có lẽ có nhiều chuyên gia kinh tế tư vấn, nên tôi chỉ nói góc độ thực tế của người dân và doanh nghiệp, là mỗi khi tăng lãi suất thì vật giá lại leo thang, đi chợ là biết ngay.

Còn góc độ doanh nghiệp khi lãi suất tăng thì tất nhiên giá đầu ra phải tăng để bù lại chi phí tài chính gia tăng.

Vì suy cho cùng tất cả khách hàng phải gánh chịu mọi chi phí. Vậy tôi vẫn chưa hiểu kiểu phân tích tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Chân thành cám ơn.
T.Long 16:15 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Ý kiến của anh Hào từ những nghiên cứu nào đó không có gì mới cả. Mỗi chính sách có một dư địa, thế thôi.

Đọc xong bài nay, chắc nhiều người tiêu dùng sẽ hoang mang hơn vì chẳng hiểu chính phủ đang làm gì và e rằng vì thế lạm phát sẽ tăng thêm mấy điểm phần trăm.
VNT 15:55 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Đây là mặt trái của việc gia nhập WTO quá sớm, khi mà nội lực nền kinh tế chưa vững.

Cái chúng ta đang đối mặt chỉ là hiện tượng, gốc vấn đề là giảm nhập siêu chỉ bằng cách tổ chức hỗ trợ lực lượng sản xuất tập trung vào sản xuất tạo ra sản phẩm, cổ xúy tiêu dùng hàng trong nước (nhớ là hàm lượng sản phẩm phụ trợ cũng sản xuất từ trong nước).

Gia nhập WTO sớm, dẫn đến hàng rào thuế quan phải gỡ bỏ, trong khi các hàng rào khác chưa kịp dựng lên, từ đây đến năm 2015 thuế suất dần về bằng 0 (từ 0-5%) thì rõ ràng là cơ hội thoát khỏi chuyện này ngày càng hẹp, càng ngày sẽ còn rất khó khăn do cốt lõi vấn đề là HÀNG HÓA chứ không phải là TIỀN TỆ.
Nguyễn Tuân 15:20 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Tôi thấy tâm đắc nhất ở 2 điểm mà Ts. Hào đã chỉ ra là:

1- Tăng trưởng của chúng ta các năm qua dựa chủ yếu vào đầu tư, hệ số ICOR quá cao (năm 2009 là 8), mà đặc biệt là đầu tư công kém hiệu quả, tham nhũng, lãng phí.

2- Các chính sách kinh tế ban hành thiếu nhất quán giữa việc nói và làm gây lên sự mất niềm tin nghiêm trọng đối với người dân và doanh nghiệp, điều này sẽ làm cho các chính sách tiếp theo của nhà nước sẽ kém hiệu quả.

Một điều nữa cần nói thêm là các chính sách tiền tệ vừa qua đưa ra và thực hiện một cách nửa vời, ví dụ kế hoạch đặt ra tăng trưởng tín dụng năm 2010 25% lại đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 7% điều này liệu có hợp lý không? Khi mà việc tăng cung tiền, tăng trưởng, lạm phát là ba biến số có liên quan mật thiết với nhau.
Phạm Thị Hà Thương 15:16 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên của TS Hào. Chúng ta đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Lãi suất tăng - Chi phí tăng - Lạm phát tăng.

Chúng tôi là 1 doanh nghiệp thương mại sản xuất. Với lãi suất này thì chúng tôi bắt buộc phải tăng giá đầu ra nếu không chắc chắn các doanh nghiệp như chúng tôi sẽ phải từ bỏ sản xuất. Thật sự là khó khăn!
Nguyễn Thanh Bình 15:04 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Sao ngay khi bàn các biện pháp thực hiện không đưa ra tranh cãi, giờ đã làm rồi thì xới lên. Làm Govt thêm bối rối!
Bùi Quang Sáng 14:56 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Nói như anh Hào tôi thấy rất đúng và khoa học, khi giá vốn cao, có 2 kịch bản:

Kịch bản 1:

Doanh nghiệp vay tiền sản xuất khiết giá thành sản xuất cao, qua các khâu trung gian phân phối giá bị đẩy theo cấp số + người tiêu dùng thấy giá cao liên tục sẽ bất bình không mua nữa “quay lưng lại với Doanh nghiệp” vì phải tiết giảm tiêu dùng. Điều này dẫn tới Doanh nghiệp lỗ, sản xuất bị đình đốn, phải cắt giảm việc làm cơ cấu lại tổ chức.

Kịch bản 2:

Khi giá vốn cao, Doạnh nghiệp không vay tiền, giảm nhân công, sản xuất cầm chừng, sau này khi ổn định kinh tế quay trở lại phục hồi sản xuất phải tuyển dụng đào tạo lại nhân công cũng khiến chi phí cao trong tương lai.

Cả hai kịch bản đều dẫn đến đình đốn khiến hàng hóa không dồi dào, tạo tâm lý đầu cơ cho 1 nhóm người, khi lạm phát lên đỉnh điểm, người tiêu dùng không mua hàng hóa vì bản thân họ mất việc làm, kiếm được việc tạm bợ nào thì tích cốc phòng cơ và cuối cùng dẫn đến giảm phát.

Chính phủ đã có phương án rất hay là thắt chặt “túi tiền” vào tín dụng bất động sản, chứng khoán, giảm chi tiêu công, nhưng cũng nên xem xét khơi thông dòng tín dụng ưu đãi đến các Doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, đem lại hàng hóa dồi dào giá rẻ, giám sát chặt chẽ các hoạt động của thị trường, tránh các hiện tượng gian lận thương mại, không cho môi trường đầu cơ có cơ hội phát triển.

Công khai minh bạch, thông tin kịp thời,nhất quán từ nhà điều hành chính phủ đến Doanh nghiệp, người tiêu dùng điều đó sẽ tạo ra lòng tin, thấu hiểu và chia sẻ, lạm phát chắc chắn sẽ được kiểm sóat tốt hơn.

Nếu giá xăng, giá điện cứ nay tăng thời gian ngắn lại tăng, như thông tin ”Sắp tới, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh nhanh hơn” không biết đến cuối năm còn tăng hay không tăng, khiến cho Doanh nghiệp lo lắng không biết lập kế hoạch thế nào, người Dân thì thấp thỏm.

Thú thực là người dân chúng tôi có phải dùng giá xăng cao như Lào, Trung Quốc, nhưng mà ổn định cả năm vẫn thích hơn chập chờn, nhấp nhổm rất khó chịu.

Hoặc là cứ thả nổi theo thị trường thế giới cũng được, nhưng phải công khai niêm yết giá thế giới hàng ngày qua các phương tiện truyền thông + thêm chi phí vận chuyển + lợi nhuận… do cơ quan quản lý cho phép và người Dân chúng tôi được phép mặc cả khi mua.

Tôi nghĩ anh Hào nói đúng.
Trần Văn Vinh 14:43 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Cám ơn nhận xét rất sắc sảo và hoàn toàn phù hợp với tình hình Việt nam của TS. Hào.

Tôi nghĩ rằng các nhà làm chính sách nên để lãi suất vừa phải vì bản thân lạm phát ở Việt Nam đã rất cao rồi. Dùng lãi suất để chống lạm phát nữa thì sẽ biến ls thành lạm phát chi phí đẩy đối với toàn bộ nền kinh tế, thành ra không có hiệu quả.
Tuấn 14:38 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Vấn đề lạm phát có nhiều hướng tiếp cận, không có gì là mới. Trong kinh tế học vĩ mô, lạm phát có thể do cầu kéo hay chi phí đẩy, nếu sử dụng đồ thị IS-LM có thể là dịch chuyển 1 trong 2 đường sang phải.

Những ý kiến của TS Hào không mới. Cần có giải pháp phù hợp với thực trạng kinh tế Việt Nam hơn là phỏng đoán. Vấn đề nằm tại cơ cấu kinh tế của Việt Nam, dồn nén lâu (kiểm soát giá, không kiểm soát được chi phí, đầu tư công kém hiệu quả) thì đến ngày nó phải bung ra thôi.

Giải quyết vấn đề tận gốc rễ không đơn giản chỉ là chính sách tài khoá hay tiền tệ thắt chặt.
Nguyễn Anh Đức 13:43 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Đã lâu rồi tôi mới được đọc một bài viêt có chất lượng như vậy, TS. Quách Mạnh Hào đã có cái nhìn theo tôi là rất sâu sắc về thực trạng nền kinh tế VN.

Tôi là một người lao động bình thường, cũng chẳng được tào tạo để có được những kiến thức ‘’uy ên bác’’ như những nhà làm chính sách ở VN, những tôi cảm nhận được những gì mà TS. Hào nói là chính xác!

Chúng ta không nên áp dụng máy móc mà cần phải có tư duy thực tiễn. Hiện nay, ở đâu đâu tôi cũng thấy bàn về vấn đề lạm phát, hàng hoá thì đắt lên từng giờ mà tiền lương thì giảm hàng tháng.

Lạm phát cao, lãi suất lớn, DN hoạt động trì trệ dẫn đến lương người lao động giảm sút. Như vậy, cùng một lúc người lao động sẽ chịu áp lực từ hai phía: thu nhập giảm, lạm phát cao (tác động kép)!

Theo tôi vấn đề mấu chốt để hạn chế lạm phát và tăng mức sống cho người dân, ổn định kinh tế vĩ mô trong lúc này là chúng cần tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động hiệu quả, nhất là các DN SX các mặt hàng thiết yếu, các loại đầu vào của quá trình sản xuất, khuyết khích SX trong nước, hạn chế nhập khẩu những loại hàng hoá sa sỉ, kiểm soát đầu tư (đặc biệt đầu tư công), giảm lãi suất (chứ không nên tăng lãi suất để “hút” tiền về nhằm giảm cung tiền cho nền KT như thời gian vừa qua).... lúc đó sẽ tạo ra lượng hàng hoá dồi dào hơn làm tăng cầu, giảm lạm phát và an sinh được đảm bảo! Còn cứ theo đà này tôi nghĩ nguy cơ bất ổn nền kinh tế là hiện hữu!
Lelan 12:59 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Ở các nước, trong thời kỳ khủng hoảng, 2 đối tượng được "phát" tiền là dân nghèo và DNNVV.

Đừng có sợ họ giàu lên với đồng tiền đó. Giả sử 1 DNNVV nào đó giàu lên tí cũng là tốt thôi. Đương nhiên hãy chọn DNNVV có hoạt động sxkd thực sự.
Lelan 12:53 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Nên phỏng vấn những người khách quan ngoài cuộc. Họ không có áp lực nào chi phối khi trả lời.
Thiên Tính 12:20 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Làm cách nào để giữ giá hàng hóa bây giờ cố định được 5-10 năm thì kinh tế mới phát triển được, đầu tư mới tốt và đời sống người lao động mới khá chút.

Chứ rút tiền ra rồi rồi đẩy tiền vào (mà không biết đầy vào để chi nữa cơ hoặc là biết mà hiểu không đúng nền kinh tế) thì khó ổn định tình hình kinh tế.

Ước gì đến năm 2021 giá một ký thịt heo vẫn 100-120 ngàn đồng, vàng vẫng cứ 36,7-37 triệu/lượng và USD vẫn cứ 20-20,5VNĐ/USD thì người dân sẽ sung sướng biết bao!
Duc Anh 12:00 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 @Victor:

Correlation không tạo ra causation đâu mà chạy co-efficient.

Ý kién của bác Hào tuy mới nhưng không đúng thực tế. Ít doanh nghiệp dám vay tiền nhà nước hiện giờ. Việc doanh nghiẹp vay tiền lãi suất cao rồi nâng giá sản phẩm là không tưởng.

Một khi lãi suất đã cao, thị trường tiền tệ bị siết thì doanh nghiệp nào nâng giá cao cũng sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Lạm phát là điều tệ hại. Nhưng cũng giống đứa con hư hỏng. Nếu nó đã hư mà dạy lại thì phải mất thời gian, chứ không thể dạy 1, 2 ngày dược. Lạm phát đã tăng thì nó sẽ còn tăng nữa dù lãi suất có là 1000000000%. Chỉ có thể giảm tốc chứ giảm ngay lập tức là tiêu đấy.
Victor 11:40 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Chạy mô hình Inflation, xem co-efficient của interest rate thì trả lời được thôi!
DW 10:59 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Chính sách tiền tệ không đủ để chống lạm phát mà còn phải kết hợp với chính sách tài khóa, đầu tư công thì mới có hiệu quả.
Đặng Bửu Kiếm 10:49 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011 Có lẽ bác Hào đã nói hết những ý mà người làm chính sách nên xem lại.

Theo : vneconomy.vn

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...