Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

"Kê toa" trị lạm phát: Cải thiện chính sách tài khóa

Nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ và tài khóa phải thực hiện đồng thời song phải lo về chính sách tài khóa nhiều hơn
Ngay từ quý I, gánh nặng tăng giá đã dồn dập. Chính phủ cần tuyên bố rõ từ nay đến cuối năm có cuộc điều chỉnh nào nữa không. Một tuyên bố mang tính dự liệu về kinh tế như vậy sẽ tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp (DN) và người dân.
Vì giá điện đã được chấp thuận tăng 15,28% nhưng nhiều thông tin cho thấy mức tăng giá đó chưa đủ đáp ứng yêu cầu và chưa cải thiện được tình hình thiếu điện. Xã hội sẽ hiểu là ngành điện vẫn tiếp tục kêu thiếu điện, thiếu vốn và “đòi” thu thêm tiền. Như vậy, nguy cơ tăng giá vẫn còn, khả năng lạm phát vẫn còn.  
Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ vừa nói đến các giải pháp, ví dụ hạ mức tăng trưởng tín dụng xuống 20% chứ không phải cao như trước. Đồng thời đưa ra chủ trương tiết giảm 10% chi thường xuyên của Chính phủ.
Đây là những công cụ cần thiết, ngay cả tăng giá điện ở mức 15,28% là Chính phủ đã tính toán làm sao đỡ ảnh hưởng đến lạm phát. Tuy nhiên, những công cụ đó chưa thật đầy đủ mà phải có giải pháp khác đồng bộ, tổng thể hơn.

Lạm phát là do 2 nhân tố chính, bao gồm nhóm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Hai nhóm chính sách này phải thực hiện đồng thời và có tác dụng quan trọng không kém gì nhau.

 
Tỉ giá USD tăng làm cho các loại sữa nội và ngoại đều tăng giá. Ảnh: Hồng Thúy

Năm ngoái, khi chúng ta quá tập trung vào chính sách tiền tệ thì kết quả là lạm phát cao hơn rất nhiều so với dự kiến. Năm nay, tôi cho rằng phải lo về chính sách tài khóa nhiều hơn, không nên đổ gánh nặng về chính sách tiền tệ.
Nói giảm tăng trưởng tín dụng xuống 20% nhưng phải có biện pháp cụ thể để giảm tín dụng của khu vực DN Nhà nước. Trong tín dụng ngân hàng, hơn 60% dành cho DN Nhà nước.
Nếu khu vực này cắt giảm được tín dụng chưa thật bức thiết sẽ có kết quả rất tích cực vì bản thân hiệu quả sử dụng vốn không cao, chỉ số icor (đầu tư/tăng trưởng) cao nên khi họ sử dụng tín dụng nhiều thì nguy cơ lạm phát sẽ tăng lên.  
Trong khi đó, DN tư nhân hoạt động hiệu quả hơn lại rất cần tín dụng để phát triển. Do đó, thắt chặt tín dụng phải thực hiện đúng chỗ, không đổ đồng mọi DN. DN nhỏ và vừa cần được  tạo điều kiện tiếp cận vốn dễ hơn với lãi suất mềm hơn. Như vậy mới bảo đảm vừa kiềm chế lạm phát vừa bảo đảm tăng trưởng.  
Tiết kiệm tài khóa 10% cũng phải nêu rõ cắt giảm ở đâu. Không chỉ là vấn đề chi tiêu thường xuyên từ ngân sách mà còn là đầu tư của DN Nhà nước. Đây mới là khối chi tiêu lớn tiền ngân sách của xã hội làm tăng sức ép lạm phát.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn:
Cần giảm mạnh đầu tư công
Gốc rễ của căn bệnh trầm kha về lạm phát ở nước ta chính là chính sách tài khóa ngoài nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của lạm phát trên thế giới, giá dầu thế giới tăng...
Để giải quyết bài toán lạm phát một cách cơ bản cần có chính sách tài khóa lành mạnh hơn, cân đối hơn. Chính sách tài khóa tốt dựa trên nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả sẽ làm nhẹ đi áp lực lạm phát đang đè nặng lên nền kinh tế. Muốn làm được điều này cần phải giảm mạnh đầu tư công để đầu tư tư nhân trong, ngoài nước tăng nhanh, hiệu quả đầu tư cũng tăng lên. Đây là yếu tố quyết định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh mà không gây ra lạm phát. Đầu tư công chỉ nên tập trung vào các dự án mang lại hiệu quả thật sự cả về kinh tế lẫn tài chính.

Ngoài ra, cần phân công lại vai trò của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nếu chính sách tài khóa hướng vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng thì chính sách tiền tệ sẽ hướng vào mục tiêu kích thích tăng trưởng kinh tế và ổn định tiền tệ.

Việc kìm giữ tỉ giá USD/VNĐ thời gian qua là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần làm giảm dự trữ ngoại tệ quốc gia và khiến nguồn cung ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng trở nên ít hơn. Vì vậy, ngày 11-2, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá với mức tăng 9,3% là rất cần thiết với tình hình kinh tế thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, trong thời điểm nhạy cảm sau khi tỉ giá tăng, lạm phát có khả năng tăng cao, Nhà nước cần áp dụng ngay các biện pháp về quản lý thị trường nhằm bình ổn giá cả, tránh hiện tượng “té nước theo mưa”, trục lợi của một số bộ phận, đặc biệt sau khi giá xăng và giá điện sẽ được điều chỉnh tăng. Chẳng hạn, các DN có hiện tượng “ăn theo” như  găm hàng, găm xăng dầu không bán chờ giá tăng... cần phải xử lý nghiêm.

TS Vũ Đình Ánh:
Nghệ thuật điều hành, quản lý
Lạm phát do chi phí đẩy (các yếu tố tăng giá) là hoàn toàn có cơ sở rồi. Năm nay, cách xử lý lạm phát đòi hỏi trình độ phải cao hơn năm trước. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu buộc phải điều chỉnh nhưng điều chỉnh như thế nào mới quan trọng. Vấn đề là cách thức chứ không đơn thuần chỉ là mức độ hay thời điểm điều chỉnh. Nếu điều chỉnh giá các mặt hàng khác theo kiểu giật cục thì nguy hiểm.

Có thể nói, việc điều chỉnh tỉ giá lần này là đúng về mặt kỹ thuật nhưng lại không lường trước được hiệu ứng tâm lý. Thị trường mấy ngày qua đang chịu tác động lớn từ hiệu ứng tâm lý này. Tất cả đều ồ ạt tăng giá với lý do là tỉ giá USD/VNĐ tăng đến gần 10%.

Cần lưu ý rằng năm 2011, lạm phát không phải là vấn đề riêng của Việt Nam nữa mà là vấn đề toàn cầu. Lạm phát từ bên ngoài sẽ tác động trực tiếp tới Việt Nam cùng với những vấn đề yếu kém nội tại của chúng ta sẽ khiến lạm phát ở Việt Nam trở nên phức tạp hơn. Các biện pháp kiềm chế lạm phát như thắt chặt tiền tệ, thắt chặt chi tiêu công... cần phải được vận dụng hiệu quả. Có nhiều công cụ để kiềm chế lạm phát, quan trọng là khi đã thả công cụ nào thì phải nắm chắc công cụ khác, nếu thắt chặt tiền tệ mà làm chặt quá thì sẽ gây ra đổ vỡ kinh tế... Vấn đề phụ thuộc vào nghệ thuật điều hành quản lý.
Thái Phương - Tô Hà ghi


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
(Theo nld.com.vn)

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...