Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Chế định chào bán cổ phần riêng lẻ: Gây khó cho DN

Download : Nghị định 01/2010/NĐ-CP nagỳ 04/01/2010 : http://www.mediafire.com/?82lo2qq2616uwp4
                   Công văn 350/UBCK-QLPH ngày 27/01/2011 : http://www.mediafire.com/?0wvud894n6icvs9

Sau gần 1 năm kể từ ngày Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ có hiệu lực, đến thời điểm này, có thể nói do nhiều nguyên nhân như phạm vi, đối tượng áp dụng quá rộng không trọng điểm vào vấn đề pháp lý cần điều chỉnh, thiếu tương thích với Luật DN và các văn bản hướng dẫn, nhiều quy định thiếu thực tế đã gây ra vướng mắc trong việc áp dụng.
Bên cạnh đó, sau 1 năm Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định, dẫn đến việc ách tắc trong việc áp dụng cho Cty cổ phần (CTCP) tăng vốn Điều lệ, đăng ký Cty đại chúng...
Nếu nói rằng Nghị định này đã vô hiệu hóa chế định Cty cổ phần thì chưa thấu đáo. Nhưng nếu nói Nghị định 01 đã vô hiệu hóa một cơ chế, một cách thức huy động vốn hiệu quả của hàng chục nghìn CTCP (chưa đại chúng) hiện nay thì có thể thấy rõ bởi thời gian qua việc áp dụng quy định nói trên của các CTCP đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hạn chế chuyển nhượng gây khó huy động vốn
Nghị định 01 hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán riêng lẻ. Trước hết, hạn chế như vậy chắc chắn hạn chế về tính khả thi của phương án chào bán cổ phần dù là cổ đông hiện hữu hay cổ đông mới, làm mất đi sức hấp dẫn để thu hút cổ đông.
Cổ phần được chào bán là để huy động thêm vốn cho CTCP phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, việc có thay đổi cổ đông sau đó do chuyển nhượng không ảnh hưởng gì đến nguồn vốn và hoạt động của CTCP đó. Nhà đầu tư có chuyển nhượng hay không thì tiền từ đợt chào bán cổ phần cũng là tiền của CTCP nên ai nắm giữ cổ phần rõ ràng không ảnh hưởng đến số tiền đó.
Đem vấn đề này so sánh với Cty đại chúng sẽ thấy quy định này chưa hợp lý, bởi nếu một Cty có 99 cổ đông, khi chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thì cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng, còn Cty đại chúng (có từ 100 cổ đông trở lên) nếu chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị giới hạn chuyển nhượng.
Với quy định này, CTCP muốn chào bán thành công thì chỉ có thể chào bán cho các đối tác có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của mình, đối tượng này không phải lúc nào cũng sẵn sàng quyết định đầu tư dài hạn.
Một năm là quá dài và có thể xuất hiện nhiều rủi ro, nên thay vì tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư mua chứng khoán trên thị trường tập trung hoặc kênh đầu tư khác để vừa tránh được rủi ro thanh khoản, vừa không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng. Như vậy, rõ ràng quy định này đang ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn của hàng chục ngàn CTCP.

Cty cổ phần muốn chào bán thành công thì chỉ có thể chào bán cho các đối tác có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh (Ảnh: DĐDN)
Giới hạn cơ hội đầu tư?
Bên cạnh đó, theo quy định tại nghị định 01 thì các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng. Nếu tiếp cận vấn đề từ nhu cầu vốn liên tục của DN có thể thấy, mỗi dự án đầu tư, việc mở rộng sản xuất kinh doanh đều cần một nguồn vốn nhất định. DN muốn phát triển phải liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh, liên tục đứng trước những cơ hội đầu tư, kinh doanh.
“Liên tục” có thể hiểu là hôm nay DN có một cơ hội đầu tư, họ chào bán cổ phần huy động vốn và bố trí được nguồn vốn nắm bắt được cơ hội đầu tư đó. Ngay ngày mai họ có một cơ hội đầu tư khác tiếp tục cần vốn để triển khai họ sẽ phải chờ sáu tháng sau để chào bán cổ phần huy động vốn. Rõ ràng, hạn chế này triệt tiêu cơ hội đầu tư đó.
Từ các giới hạn, hạn chế trên, rõ ràng việc huy động vốn, tận dụng các cơ hội đầu tư sẽ gặp khó khăn. Các phương án đầu tư sẽ phải thay đổi, bài toán huy động vốn sẽ phải tính toán lại, dòng chảy nguồn vốn vào các CTCP sẽ bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế và đương nhiên kìm hãm sự phát triển, tăng trưởng của các DN.
Kiến nghị từ thực tiễn
Trong khi Nghị định 01/2010/NĐ-CP với hạn chế trên còn những vướng mắc thì một thời gian sau, Nghị định 102/2010 ra đời (và có hiệu lực từ 15/11/2010), đã khép chặt hơn quy định về chào bán cổ phần để tăng vốn. Theo đó: trước khi làm thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ, các CTCP thực hiện chào bán cổ phần theo trình tự, thủ tục, hồ sơ và điều kiện chào bán theo quy định có liên quan của pháp luật về chứng khoán (Điều 24).
Cụ thể là tuân theo quy định của Nghị định 01/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ... Sau khi kết thúc đợt chào bán cổ phần, Cty đăng ký lại vốn điều lệ theo quy định của Luật DN và Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký DN.
Cũng tại thời điểm này, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật chứng khoán quy định việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là Cty đại chúng được thực hiện theo quy định của Luật DN và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, mới đây nhất UBCKNN lại có Công văn số 350/UBCK-QLPH ngày 27/01/2011 gửi Sở KH-ĐT TP HCM hướng dẫn Nghị định 1, theo đó kể từ ngày 1/7/2011 các CTCP chưa phải là Cty đại chúng khi phát hành cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn thì thực hiện theo hướng dẫn của Sở KH và ĐT.
Như vậy có sự khác biệt bởi Luật chứng khoán quy định chung là chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là Cty đại chúng, trong khi, theo công văn của UBCKNN giới hạn lại chỉ khi phát hành cho cổ đông hiện hữu mới thực hiện theo hướng dẫn của Sở KH - ĐT (được hiểu là thực hiện theo Luật DN).
Khó khăn đối với DN không chỉ đơn giản là việc nắm bắt, tuân thủ những quy định thường xuyên thay đổi, khó dự báo mà trực tiếp và dễ thấy hơn trong trường hợp này đó là những thiệt hại về tiền, về kinh tế từ những quy định hạn chế nói trên. Vì vậy, để tránh việc lúng túng trong việc áp dụng Nghị định 01 và quy định liên quan... DN chỉ biết chờ, trong lúc các kế hoạch huy động vốn, tăng vốn, các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh cần vốn cũng chờ theo, thiệt hại về kinh tế là điều khó tránh khỏi.
Với những khúc mắc nói trên, các cơ quan hữu quan cần sớm có tham vấn trình Chính phủ ban hành Nghị định hoặc liên bộ ban hành Thông tư liên bộ Tài chính - KH ĐT hướng dẫn áp dụng thống nhất toàn bộ các vấn đề trên tạo điều kiện cho các CTCP không phải là Cty đại chúng thực thi chế định chào bán riêng lẻ hiệu quả.
Luật sư Phạm Chí Công Luật sư điều hành - Cty luật Khai Phong
Theo DĐDN

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...