Một báo cáo mới nhất từ Bộ Kế hoạch đầu tư đã lật tẩy những chiêu chuyển giá của các DN nước ngoài. Bên cạnh đó, những khoản lợi nhuận bất hợp pháp hàng triệu USD đã được chỉ ra để tìm cách truy thu.
Cao tay lách luật
Theo Bộ KH-ĐT, doanh nghiệp FDI thường thực hiện hoạt động chuyển giá thông qua hai hình thức là chuyển giá lãi và chuyển giá lỗ.
Về hình thức chuyển giá lãi, thời gian qua, một số doanh nghiệp FDI xin chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trong quá trình này, không ít doanh nghiệp đã định giá không xác thực tài sản, làm tăng lợi nhuận để niêm yết sàn giao dịch chứng khoán đồng thời làm cho giá trị cổ phiếu cao khi niêm yết; lợi dụng việc chuyển đổi để "tư bản hoá tài sản", bán bớt cổ phần, thậm chí chuyển toàn bộ vốn ra khỏi Việt Nam; làm gia tăng lượng cung, gây mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, đặc biệt là dòng vốn FDI thực vào và chuyển ra khỏi Việt Nam.
Về chuyển giá lỗ, có các hình thức, gồm: chuyển giá thông qua việc nâng cao giá trị tài sản góp vốn; chuyển giá thông qua mua bán nguyên vật liệu, bán thành phẩm với công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty liên kết; chuyển giá thông qua cung cấp dịch vụ, phí quản lí, phí bản quyền, phí hỗ trợ kỹ thuật; chuyển giá thông qua nâng chi phí cho vay, bảo lãnh; chuyển giá thông qua trả lương, đào tạo, chi phí quảng cáo, bán hàng; chuyển giá thông qua việc điều phối thu nhập giữa các bên liên kết; chuyển giá thông qua các nhà thầu.
Theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn bằng máy móc, thiết bị, công nghệ. Nhưng do hạn chế về năng lực và trình độ thẩm định giá, thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu để so sánh nên trong quá trình định giá, những máy móc thiệt bị và công nghệ thường bị đẩy cao hơn so với giá trị thực của nó. Vấn đề này dẫn đến việc khấu hao và thu hồi vốn nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro trong đầu tư, trì hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp những năm đầu.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp liên doanh, ngoài các hệ luỵ trên thì việc làm tăng ảo tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến việc quản trị, điều hành trong hội đồng quản trị và cuối cùng là việc phân chia lợi nhuận, tài sản khi kết thúc hợp đồng.
Trong khi đó, mục đích của việc chuyển giá thông qua mua bán nguyên vật liệu, bán thành phẩm với công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các công ty liên kết là nhằm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, thậm chí gây ra tình trạng lỗ giả, lãi thật, không phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thiệt hại hàng ngàn tỷ
Bộ KH-ĐT cho biết, qua kết quả thanh tra, kiểm tra về chuyển giá, cơ quan thuế đã làm giảm lỗ và truy thu thuế số tiến lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trong năm 2010, đã thanh kiểm tra thuế tại các sản xuất, lắp ráp ô tô và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè tại Lâm Đồng... truy thu hơn 133 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.
Thanh tra 575 doanh nghiệp FDI lỗ trong các năm từ 2005-2009, kết quả giảm lỗ hơn 4.000 tỷ đồng và truy thu thuế hơn 212 tỷ đồng. Trong đó, phát hiện 43 doanh nghiệp FDI có quan hệ giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, qua đó xử phạt 37 doanh nghiệp, giảm lỗ 887 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt 27 tỷ đồng.
Trong năm 2011, theo kế hoạch của Tổng cục Thuế, có 1.267 doanh nghiệp có vốn FDI thuộc diện phải kiểm tra việc chuyển giá, trốn thuế. Tính đến tháng 9-2011, toàn ngành đã thực hiện thanh tra 585 doanh nghiệp lỗ, trong đó có 76 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Ngành Thuế đã có kết luận thanh tra và quyết định xử lý 494 doanh nghiệp lỗ. Kết quả, đã giảm lỗ 3.754 tỷ đồng, truy thu thuế hơn 978 tỷ đồng, giảm khấu trừ 86,9 tỷ, xử phạt 272 tỷ.
Theo Bộ KH-ĐT, với nhà đầu tư, mục tiêu của họ là tối đa hoá lợi ích. Chuyển giá sẽ giúp nhà đầu tư có được một số lợi ích như giảm thiểu nghĩa vụ thuế, tối đa hoá lợi nhuận, dễ dàng chuyển vốn đầu tư hoặc lợi nhuận ra nước ngoài (ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp mà họ đang đầu tư báo lỗ), chiếm lĩnh thị trường, thanh lý máy móc thiết bị kém hiện đại với giá cao... Vì thế, chuyển giá có thể gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế như gây thất thu ngân sách nhà nước, tăng nhập siêu, làm méo mó môi trường đầu tư, làm sai lệch về tình hình tài chính của doanh nghiệp (chuyển gia lãi)...
Cũng theo Bộ KH-ĐT, chuyển giá xảy ra không chỉ ở doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ mà còn xảy ra ở cả doanh nghiệp có lãi và hoà vốn với mức độ khác nhau. Dấu hiệu nghi ngờ doanh nghiệp chuyển giá được nhìn nhận qua hai đặc điểm là doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu và doanh nghiệp liên tục lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô. Theo kết quả điều tra của Bộ Tài chính, tại TP Hồ Chí Minh, có 460/3.890 doanh nghiệp có vốn FDI điều tra báo lỗ quá vốn chủ sở hữu; con số này tại Bình Dương, Đồng Nai lần lượt là 200/1.490 và 72/987. Trong khi đó, riêng năm 2010, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai lỗ tại TP Hồ Chí Minh là 47%; Bình Dương 50,6%, Đồng Nai 43,2%.
Bộ KH-ĐT cho rằng, về cơ bản, chuyển giá là việc xác định giá đối với giao dịch giữa các bên liên kết. Nói một cách khác, chuyển giá là việc xác định liệu một giao dịch giữa các bên liên kết có được thực hiện trên cơ sở giá thị trường hay không. Chuyển giá được thực hiện thông qua việc giao dịch với một bên liên kết ở một mức cao hơn hay thấp hơn so với giá mà công ty đó sẽ thực hiện với một bên độc lập. Việc này sẽ có ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế của cả hai đối tác trong giao dịch đó và có thể sẽ ảnh hưởng đến số thuế phải nộp của cả hai công ty.
Theo VEF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét