Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Fitch Ratings : Tái cơ cấu Ngân hàng chưa rõ ràng

Mặc dù đánh giá việc tái cơ cấu là động thái tích cực, làm lành mạnh lại hệ thống ngân hàng và nền tài chính Việt Nam nhưng Fitch vẫn cho rằng kế hoạch vẫn chưa rõ ràng, thiếu chi tiết.
Mặc dù đánh giá việc tái cơ cấu ngân hàng là động thái tích cực, làm lành mạnh lại hệ thống ngân hàng và nền tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, Fitch Ratings - đơn vị đánh giá mức độ tín nhiệm hàng đầu thế giới - cũng bày tỏ quan điểm rằng, kế hoạch vẫn còn chưa rõ ràng, thiếu chi tiết và vì thế sẽ vẫn còn tồn tại những rủi ro không nhỏ kể cả trong ngắn và trung hạn.
Để hiểu rõ hơn về những đánh giá này, phóng viên VTV đã phỏng vấn nhanh qua điện thoại với ông Alfred Chan, Giám đốc bộ phận xếp hạng tín nhiệm các tổ chức tài chính khu vực châu Á-TBD của Fitch Ratings, người đồng chịu trách nhiệm chính về bản báo cáo vừa qua.    
 
  
Xin chào ông Alfred Chan, bản đánh giá mới nhất của Fitch về Việt Nam có tiêu đề: Tái cơ cấu Ngân hàng Việt Nam, tích cực song vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Xin ông giải thích rõ hơn về điều này?
Ông Alfred Chan: Theo kế hoạch, chính phủ sẽ có thể mua lại nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, áp dụng các biện pháp nhằm tăng vốn, đồng thời xem xét sáp nhập các ngân hàng yếu. Đó là một trong những cách làm trong sạch, lành mạnh lại hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Việt Nam vẫn chưa có được một kế hoạch tái cơ cấu chi tiết. Ví dụ như chưa có thời điểm cụ thể bắt đầu cho các thương vụ mua bán sáp nhập, quy mô mua lại nợ xấu của các ngân hàng. Chính vì thế chúng tôi vẫn đang hết sức để tâm xem kế hoạch tiếp theo của Việt Nam là gì.
Ông nói là Việt Nam chưa khởi động cho việc sáp nhập ngân hàng, nhưng thực tế đã diễn ra sự hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Đệ nhất, Tín nghĩa vào cuối năm ngoái. Phải chăng tín hiệu đó không đủ để nói rằng Việt Nam đang bắt đầu quy trình tái cơ cấu thực sự?
Ông Alfred Chan: Chúng tôi biết về thông tin đó và đánh giá cao nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt là việc hỗ trợ cơ cấu lại những ngân hàng yếu. Chắn hẳn cho đến giờ Ngân hàng nhà nước cũng đã có danh sách các ngân hàng tiềm năng cho việc sáp nhập và cơ cấu lại. Tuy nhiên, việc sáp nhập các ngân hàng với nhau không phải là chuyện dễ dàng, ngày một ngày hai, nếu không có một ý chí quyết tâm từ chính phía các ngân hàng thương mại và từ phía Ngân hàng nhà nước.
Việc hợp nhất ba ngân hàng năm ngoái chỉ là những tín hiệu rất ban đầu và chúng tôi cũng chưa đánh giá được cụ thể những ảnh hưởng tích cực sau việc hợp nhất đó như thế nào. Chính vì vậy về dài hạn, trước khi chúng ta muốn được chứng kiến những kết quả tích cực cho toàn hệ thống ngân hàng thì cần phải có những kế hoạch thực sự cụ thể, rõ ràng, chứ không chỉ là những tín hiệu.
Vừa rồi Ngân hàng nhà nước cũng đã quyết định phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, theo từng nhóm từ cao đến thấp. Ông đánh giá thế nào về động thái này?
Ông Alfred Chan: Chúng tôi cho rằng đây là động thái tốt. Tăng trưởng tín dụng thời gian trước quá nhanh và nó cũng góp phần làm gia tăng các khoản cho vay dễ dãi, có nguy cơ rơi vào các món nợ xấu. Mà chúng tôi thì cho rằng, nếu tính theo chuẩn quốc tế, nợ xấu của các Ngân hàng Việt Nam có thể cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với cách tính của Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, việc phân bổ tín dụng cho từng ngân hàng còn là cách để khoanh vùng các ngân hàng yếu kém. Tôi nghĩ đây cũng là một trong những cách để cải tổ lại hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên như chúng tôi đã đề cập, tất cả kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng vẫn chưa có một quy trình rõ ràng, cụ thể, mà chỉ mới diễn ra lẻ tẻ ở một vài chỗ, vài nơi. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy những hướng đi cụ thể, rành mạch hơn của kế hoạch này trong thời gian sớm tới.
Xin cảm ơn ông về những nhận định vừa rồi!

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...