Trường hợp điển hình là số liệu lợi nhuận của Vinaconex (VCG) năm 2009 sau kiểm toán giảm gần 257 tỷ đồng so với số liệu lợi nhuận trước kiểm toán. Hay sự kiện gần đây nhất là Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông (PDC) có lợi nhuận trước kiểm toán là 3 tỉ đồng nhưng kết quả kiểm toán cho thấy Công ty lỗ gần 60 tỉ đồng. Vậy câu hỏi được đặt ra là tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy? nguyên nhân cốt lõi là gì?
Bài viết có tính chất giới thiệu với bạn đọc, người nghiên cứu kế toán, người sử dụng thông tin kế toán và những người ban hành các chuẩn mực và quy định về kế toán tại Việt Nam Lý thuyết kế toán thực chứng (Positive Accounting Theory). Hy vọng lý thuyết nghiên cứu kế toán thực chứng là tiền đề giải thích các sự kiện kế toán phát sinh trong thực tế, đặc biệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi số liệu báo cáo tài chính tác động rất lớn đến các quyết định và lợi ích của nhà đầu tư.
Lý thuyết kế toán thực chứng là gì?
Trước tiên ta cần hiểu về định nghĩa một dòng lý thuyết. Dòng lý thuyết được định nghĩa là một chuỗi liên tục các định đề hoặc các nguyên lý thiết lập ra các khung nguyên tắc chung nhất cho một lĩnh vực nhất định. Các dòng lý thuyết kế toán khác nhau đưa đến các kết quả, cách thức nghiên cứu và ứng dụng khác nhau.
Lý thuyết kế toán chuẩn tắc (Normative Accounting Theory) diễn giải cho chúng ta các quy định của khung nguyên tắc kế toán (Accounting Framework) và các chuẩn mực kế toán. Lý thuyết kế toán chuẩn tắc quy định các nghiệp vụ phát sinh thì cần phải được ghi nhận và công bố như thế nào. Điều đó có nghĩa là lý thuyết kế toán chuẩn tắc trả lời câu hỏi “người lập báo cáo tài chính được yêu cầu phải làm cái gì” (What).
Trong khi đó, lý thuyết kế toán thực chứng giải thích và dự báo các hoạt động kế toán diễn ra hàng ngày trong thực tế. Lý thuyết kế toán thực chứng giúp chúng ta trả lời câu hỏi “cái gì đang diễn ra hàng ngày, tại sao người lập báo cáo tài chính lại làm như vậy, động lực nào để họ làm như vậy?” (Why, How). Như vậy, thay vì các quy định cần phải thực hiện trong kế toán chuẩn tắc, lý thuyết kế toán thực chứng cho chúng ta cơ hội khám phá và giải thích những sự vật hiện tượng chưa từng xuất hiện hoặc đã xuất hiện nhưng chúng ta chưa quan sát thấy trong thế giới tài chính và kế toán.
Lý thuyết kế toán thực chứng dựa trên các nghiên cứu thực nghiệm với dữ liệu và các sự kiện xảy ra trong thực tế để kiểm chứng các giả thuyết mà nhà nghiên cứu quan sát và đặt ra. Kế toán thực chứng thường áp dụng các phương pháp thống kê hay kinh tế lượng cao cấp để phục vụ cho việc kiểm chứng giả thuyết.
Thông thường, lý thuyết kế toán thực chứng được chia thành hai dòng, nghiên cứu kế toán trong thị trường vốn (Capital market research) và nghiên cứu các hành vi phù phép lợi nhuận (Earnings management research).
Một ví dụ về nghiên cứu kế toán trên thị trường vốn là nghiên cứu các hành động của thị trường vốn, được đại diện bởi giá cổ phiếu, đối với thông tin về lợi nhuận kế toán của Sloan (1996) hoặc một loạt các nghiên cứu về chất lượng thông tin kế toán ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của giáo sư P. Dechow trong những năm 1990s. Đây chỉ là những ví dụ nhỏ trong hàng ngàn công trình nghiên cứu thực nghiệm về kế toán trên thị trường vốn.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thời điểm hiện tại vẫn chưa có những nghiên cứu kế toán thực chứng nào được công bố. Nhưng nếu các nhà nghiên cứu kế toán của chúng ta áp dụng lý thuyết kế toán thực chứng thì biết đâu có thể kiểm chứng và đúc kết các sự kiện biến động giá cổ phiếu dưới tác động của thông tin kế toán như của Vinaconex, hay Công ty Cổ phần Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (VSP) từ quán quân lãi năm 2008 trở thành quán quân lỗ năm 2009 nhưng giá cổ phiếu đang tăng rất nóng trong thời gian gần đây.
Nghiên cứu các hành vi phù phép lợi nhuận, biết lỗ thành lãi và ngược lại, dường như gần gũi hơn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Hàng loạt các hành động “cố tình” che dẫu lãi/lỗ của các doanh nghiệp niêm yết được kiểm toán viên điều chỉnh. Lý thuyết kế toán thực chứng nghiên cứu nguyên nhân và giải thích cho các hành động trên.
Thông thường kế toán thực chứng nghiên cứu các hành vi cơ hội dựa trên lợi ích của các nhóm người khác nhau, có thể kể đến mối quan hệ giữa chủ sở hữu - nhà quản lý doanh nghiệp - người cho vay (Owner-Manager-Lender), hay còn gọi là lý thuyết người đại diện (Agency Theory). Mỗi nhóm người có lợi ích khác nhau và hành động của họ thường phục vụ lợi ích của nhóm. Có thể lãnh đạo của các doanh nghiệp như Vinaconex hay PDC nêu trên có những lợi ích riêng khi công bố kết quả lợi nhuận chưa kiểm toán cao hơn thực tế. Theo các nghiên cứu về phù phép lợi nhuận, ban lãnh đạo thường công bố lợi nhuận cao nhằm đạt mức lương thưởng gắn với kết quả kinh doanh và đồng thời giữ giá cổ phiếu khi họ cũng là những cổ đông lớn.
Lý thuyết kế toán thực chứng đồng thời còn nghiên cứu về lợi nhuận bị tác động dựa trên các yếu tố phí tổn chính trị (Political cost). Yếu tố phí tổn chính trị đối với doanh nghiệp được coi là các phí tổn phi hợp đồng. Ví dụ như công đoàn công ty sẽ gây sức ép với ban lãnh đạo để được trả lương cao hơn khi công ty có lãi cao. Đó là động lực để ban lãnh đạo phù phép giảm lợi nhuận thông qua các thủ thuật kế toán. Ví dụ cụ thể hơn trên thị trường chứng khoán Việt Nam là trường hợp Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết phù phép lỗ thành lãi trong hai năm trước khi niêm yết nhằm đạt được điều kiện tiên quyết để niêm yết cổ phiếu của Bông Bạch Tuyết trên thị trường chứng khoán.
Lý thuyết kế toán thực chứng giúp chúng ta giải thích được nguyên nhân của các sự kiện trên. Từ đó, các đối tượng sử dụng thông tin kế toán khác nhau sẽ có các hành động khác nhau. Người viết với tư cách là một kiểm toán viên nhận định rằng nếu các kiểm toán viên đều hiểu được sâu sắc các nguyên nhân tác động lợi nhuận và ảnh hưởng đến thị trường như thế nào thì có thể giảm thiểu rủi ro kiểm toán. Những nhà đầu tư hiểu được xu thế biến động của giá cổ phiếu trước các thông tin kế toán thì sẽ có những hành động phù hợp. Hoặc, những nhà hoạch định chính sách kế toán, chính sách thị trường vốn có thể đưa ra các chính sách phù hợp nhằm minh bạch hoá thị trường góp phần nâng cao chất lượng thị trường.
Lý thuyết kế toán thực chứng - Một quá trình
Thực ra lý thuyết kế toán thực chứng là một nhánh của kinh tế học thực chứng (Positive Economic Theory). Milton Friedman, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel người Mỹ, người được tờ The Economist coi là một nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20, đã cổ suý cho lý thuyết kinh tế thực chứng, hướng tới giải thích và phán đoán các sự kiện kinh tế chưa được kiểm chứng và quan sát thấy. Công trình điển hình của ông về lý thuyết kinh tế thực chứng là cuốn sách “Essays in Positive Economics” (1953).
Lý thuyết kế toán thực chứng được hai giáo sư người Mỹ, Ross Watts và Jerold Zimmerman, đẩy mạnh phát triển từ những năm cuối thập niêm 1960s cho đến nay qua hàng loạt các công trình nghiên cứu của mình. Hai ông cũng là đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng “Positive Accounting Theory” được xuất bản vào năm 1986.
Tuy nhiên, trước Watts và Zimmerman, hai giáo sư Ray Ball và Phillip Brown được công nhận là những người khởi đầu dòng kế toán thực chứng với công trình nghiên cứu được coi là kinh điển năm 1968 “An Empirical Evaluation of Accounting Income Numbers”. Công trình nghiên cứu này được đăng trên tạp chí nổi tiếng trong giới kế toán “Journal of Accounting Research”, đại bản doanh của Ray Ball sau này tại Đại học Chicago, Mỹ. Một điều thú vị là Ray Ball và Phillip Brown hoàn thành công trình của mình khi đang còn là sinh viên Đại học New South Wales (Úc). Ngoài ra, theo một số thảo luận không chính thức, công trình nghiên cứu này đã bị tạp chí The Accounting Review (Mỹ) từ chối đăng vì cho rằng nó không liên quan đến kế toán. Công trình của hai ông đến thời điểm này đã được trích dẫn bởi 2554 công trình nghiên cứu và bài báo khoa học khác nhau trong (Nguồn: Google Scholar). Cho đến bây giờ nhắc đến nghiên cứu kế toán, người ta vẫn sẽ nhắc đến Ball & Brown cho dù cũng trong năm 1968, Beaver (1968) cũng đưa ra công trình nghiên cứu kế toán thực chứng của mình “The Information Content of Annual Earnings Announcement”. Công trình của Ball&Brown và Beaver là những công trình đầu tiên đặt nền móng cho lý thuyết kế toán thực chứng.
Sau Ball và Brown, cùng với sự phát triển của Watts và Zimmerman, các nghiên cứu kế toán theo trường phái thực chứng đã phát triển mạnh mẽ và dường như lấn át trường phái kế toán chuẩn tắc. Các đề tài nghiên cứu của những sinh viên cao học cho đến các luận án tiến sỹ hay các công trình nghiên cứu của các giáo sư tại các trường đại học và viện nghiên cứu quốc tế thường áp dụng các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm. Trong thời gian gần đây, tại Việt Nam đã xuất hiện một số bài báo nghiên cứu khoa học áp dụng lý thuyết kế toán thực chứng, mặc dù chất lượng vẫn chưa được đánh giá. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các bài báo này lại được thực hiện bởi các nghiên cứu sinh người Việt tại nước ngoài và chưa lấy bối cảnh và dữ liệu tại Việt Nam.
Sự cần thiết của kế toán thực chứng .
Lý thuyết kế toán thực chứng là cần thiết khi giới kế toán thấy thất vọng đối với lý thuyết kế toán chuẩn tắc, lý thuyết chỉ hướng tới các quy định nhằm trả lời câu hỏi “người lập báo cáo tài chính phải làm gì?” mà không lý giải được “tại sao họ làm như vậy?” hay “trong thực tế kế toán làm như thế nào?”.
Watts và Zimmerman (1978) cho rằng các quy định kế toán (chuẩn tắc) rất không thực tiễn bởi vì nó tâp trung vào miêu tả các quy định thay vì xem xét các quy định kế toán được áp dụng trong thực tế có phù hợp và đạt hiểu quả kinh tế để từ đó đưa ra các điều chỉnh cần thiết. Watt và Zimmerman (1978, 1979, 1980) chỉ ra rằng kế toán thực chứng nhằm phát triển các giả thuyết để giải thích cho các sự vật hiện tượng mà chúng ta chưa nhận biết được. Do vậy, lý thuyết kế toán thực chứng có thể giúp các nhà tạo lập chính sách đưa ra các chính sách kế toán mới cho các giao dịch kinh tế mới phát sinh.
Giáo sư Christenson (Harvard) (1983) cho rằng kế toán chuẩn tắc xa dời với diễn biến của thị trường (off-the-mark). Ông cũng cho rằng nhiều khi các quy định kế toán không quan tâm đến phản ứng của thị trường và không cần biết tính kinh tế khi đưa ra áp dụng các quy định kế toán mới.
Điều này dường như đang diễn ra tại Việt Nam?
Thông tư 201/2009/TT-BTC hướng dẫn xử lý chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện tại Việt Nam. Thông tư này ra đời tạo ra sự lúng túng khi xử lý chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện đối với những người hành nghề kế toán bao gồm cả các kiểm toán viên khi nội dung của thông tư mâu thuẫn với chuẩn mực kế toán quy định về chênh lệch tỷ giá. Việc áp dụng quy định không thống nhất khiến cho chi phí xã hội để xử lý kế toán các giao dịch chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện tăng cao. Kế toán lúng túng trong xử lý. Kiểm toán viên phải tranh luận với kế toán trong việc thống nhất xử lý. Và thậm chí, chương trình thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên quốc gia năm 2010 sẽ không bao gồm Thông tư 201 vì chưa thống nhất với chuẩn mực kế toán. Bộ Tài chính đang phải xem xét tác động của sự chưa thống nhất này.
Thông tư 244/2009/TT-BTC sửa đổi và bổ sung chế độ kế toán doanh nghiệp. Thông tư 244 cho phép ghi nhận chênh lệch đánh giá lại tăng tài sản khi góp vốn vào thu nhập trong kỳ. Điều này có thể chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán, đặc biệt chưa phù hợp với nguyên tắc thận trọng ghi cho phép ghi nhận thu nhập chưa thực hiện do đánh giá lại tài sản.
Hiện tại chưa có bất kỳ nghiên cứu về tác động trong thực tế của các quy định kế toán trên đối với nền kinh tế và thị trường vốn được công bố. Người viết đề xuất rằng một nghiên cứu thực nghiệm tác động trong thực tiễn sẽ là cơ sở tốt nhất cho những nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các chính sách kế toán và tài chính mới hoặc sửa đổi và hoàn thiện các chính sách hiện hành.
Hi vọng rằng sự phát triển của nghiên cứu kế toán thực chứng, cho dù mới bắt đầu, sẽ là một tiền đề quan trọng trong sự phát triển của kế toán Việt Nam, hướng tới một hệ thống kế toán ngày càng hoàn thiện hơn. ./.
Phan Lê Thành Long (2010)
Tài liệu tham khảo
Ball, R & Brown, P (1968), “An Empirical Evaluation Of Accounting Income Number”, Journal of Accounting Research, Vol.6, No.2, Autumn, pp.159-178
Beaver, W, (1968), “The Information Content Of Annual Earnings Announcement”, Journal of Accounting Research, Supplement, pp.67-92
Christenson, C (1983), “Methodology of Positive Accounting Theory”, The Accounting Review, Vol, LVIII, No.1, Jan
Dechow, P & Dichev, I, (2002), The Quality of Accruals and Earnings: The Role of Accrual Estimation Errors, The Accounting Review, Vol.77, pp. 35-59
Friedman, M (1953), “Chapter 9: The Methodology of Positive Economics” in “Essay in Positive Economics”,
Godfrey, J., Hodgson, A., Holmes, S. & Tarca, A. (2006). Accounting Theory (6th edn). Wiley
Trần Phú Minh, (2010), “Lập lời lãi lỗ trên sàn”, Người Lao Động.
Thông tư 201/2009/TT-BTC và Thông tư 244/2009/TT-BTC
Sloan, R (1996), “Do Stock Prices Fully Reflect Information in Accruals and Cash Flows about Future Earnings?”, The Accounting Review, Vol.71, No.3, Jul
Watts,L & Zimmerman, J (1978), “Toward A Positive Theory Of The Determination Of Accounting Standards”, The Accounting Review, Vol.LIII, No.1, Jan
Watts,L & Zimmerman, J (1979), “The Demand For And Supply Of Accounting Theory: The Market For Excuses”, The Accounting Review, Vol.LIV, No.2, Apr
Watts,L & Zimmerman, J (1986), “Positive Accounting Theory”, Prentice-Hall Inc., 1986
Watts,L & Zimmerman, J (1990), “Positive Accounting Theory: A Ten Year Perspective”, The Accounting Review, Vol.65, No.1, Jan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét