Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Can cớ gì chỉ bảo hiểm tiền gửi VND ?

"Nếu ngân hàng vẫn nhận tiền gửi của người dân bằng ngoại tệ, bằng kim loại quý thì can cớ gì chỉ bảo hiểm tiền đồng mà không bảo hiểm các loại tiền khác?", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/12.
Tại báo cáo giải trình về một số vấn đề lớn dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, quá trình thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ hai vừa qua vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về loại tiền gửi được bảo hiểm.

Bên cạnh 18 ý kiến nhất trí với quy định của dự án luật, chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng VND thì có tới 49 ý kiến đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng…). Nhằm đảm bảo sự công bằng đối với người gửi tiền, huy động lượng lớn ngoại tệ và vàng gửi vào hệ thống ngân hàng do tập quán tích trữ vàng trong dân vẫn phổ biến và đây cũng là những tài sản sở hữu hợp pháp của người dân.

Đáng chú ý, trong số 49 ý kiến này có cả đề nghị mạnh mẽ của đại biểu đang làm việc tại ngành ngân hàng.

Kiên trì đề nghị chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng đồng Việt Nam, Thường trực Ủy ban Kinh tế lý giải, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam và không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng.

Khi người dân quyết định giữ tài sản của mình dưới dạng ngoại tệ hay kim loại quý là một hình thức tự phòng ngừa rủi ro do lo ngại sự mất giá của đồng nội tệ. Việc không bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ và kim loại quý của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không làm ảnh hưởng tới quyền sở hữu hợp pháp của người dân đối với các loại hình tài sản này.

Tuy nhiên, lý lẽ này chưa đủ thuyết phục nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Hiển đề nghị cả hai cơ quan soạn thảo và thẩm tra giải thích cặn kẽ hơn về lý do bảo lưu quan điểm chỉ bảo hiểm cho đồng Việt Nam. Trong khi lượng ngoại tệ, vàng trong dân vẫn rất nhiều, sao không tận dụng để hút số tài sản này vào ngân hàng, để làm 1 kênh quản lý tốt hơn là để trôi nổi?

Còn theo quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì giải thích việc quy định như dự thảo luật không ảnh hưởng tới quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân là không thuyết phục. Do trên thực tế, dù là VND hay ngoại tệ, vàng đối với người gửi tiền đều là tài sản có giá trị như nhau.

Nếu không nhận tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý thì thôi, còn đã nhận thì phải bảo hiểm như nhau để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, bà Mai rõ ràng quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng chưa đồng tình với lý giải của cơ quan thẩm tra.

Sau nhiều ý kiến trái chiều, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn được mời phát biểu, nhấn mạnh rằng quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với VND nhằm mục đích quản lý ngoại hối, quản lý tỷ giá và tiến tới mục tiêu lâu dài chỉ sử dụng tiền đồng Việt Nam.

“Nếu cứ để hoài như hiện  nay đến bao giờ làm được? Phải làm sao tiến tới mục tiêu lâu dài chỉ dùng tiền đồng Việt Nam. Thông lệ quốc tế cũng không có nước nào bảo hiểm tiền ngoại tệ cả. Họ cũng khuyến khích ta nên theo mô hình chi trả mở rộng với đồng nội tệ”, ông Tuấn nói.

Bên cạnh nội dung nói trên, một số vấn đề lớn khác cũng được Ủy ban Kinh tế báo cáo tại phiên thảo luận. Theo đó, cơ quan này đề nghị để bảo đảm tính minh bạch và tạo lòng tin cho người dân, về lâu dài cần quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm cụ thể ngay trong luật và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu hạn mức trả tiền bảo hiểm hợp lý, phù hợp với chuẩn chung của khu vực và thông lệ quốc tế.

Còn trong điều kiện cụ thể của nước ta đang tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn nhỏ, đồng thời nhằm tăng tính linh hoạt điều hành, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ quy định và điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm theo từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Với mô hình hoạt động, cơ quan thẩm tra đề nghị bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoạt động theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng.

Mô hình này phù hợp với mục đích và sự cần thiết xây dựng luật cũng như phù hợp với đặc thù trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia và yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống tài chính quốc gia, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
                                                                                                           Theo : vneconomy.vn

Các ý kiến thảo luận :
  • Ngọc Lan
    10:33 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/12/2011
    Phạm Ngọc Phú nói đúng đó. NHNN không thể bảo hiểm cho tiền gửi ngoại tệ được, vì NHNN không thể in được các đồng tiền ngoại tệ đó.

    Thậm chí bây giờ có ban hành luật thì cũng chỉ là luật giấy mà thôi vì dự trữ ngoại tệ của nhà nước không đủ sức để làm việc đó. Ngay cả bảo hiểm tiền gửi bằng đồng VN cũng không phải muốn bảo hiểm bao nhiêu cũng được, mà chỉ có hạn mức cụ thể (hiện nay là 50 triệu đồng -- nếu sửa luật hoặc sau này có nâng lên thì cũng vẫn chỉ có hạn mà thôi).

    Vấn đề nằm ở bản chất của rủi ro. Nên nhớ, cơ quan bảo hiểm tiền gửi hoạt động theo nguyên tắc của công ty bảo hiểm, nên không thể có hạn mức vô hạn định để bảo hiểm rủi ro cho các loại tài sản được gởi vô ngân hàng.
  • Tradersaigon
    10:15 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/12/2011
    Phạm Ngọc Phú sao nói sàm quá vậy, biết gì về tiền tệ và luật cung cầu tiền tệ ko?
  • Phạm Ngọc Phú
    09:55 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/12/2011
    Gửi Tommy,

    Nếu Nhà Nước Việt Nam không có nhiệm vụ bảo vệ giá trị tiền đồng và người Việt Nam không tin vào tiền đồng, thì Việt Nam là nước nghèo nhưng lại thích xài tiền USD, và Tomy có nằm trong số người Việt Nam đó không?
  • Ngo Long
    09:51 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/12/2011
    Tôi hoàn toàn đồng ý:

    "Nếu ngân hàng vẫn nhận tiền gửi của người dân bằng ngoại tệ, bằng kim loại quý thì can cớ gì chỉ bảo hiểm tiền đồng mà không bảo hiểm các loại tiền khác?" (ông Phùng Quốc Hiển);

    “Nếu không nhận tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý thì thôi, còn đã nhận thì phải bảo hiểm như nhau để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.” (bà Trương Thị Mai);

    Chứ không thể vì mục đích quản lý tỷ giá, mà không bảo hiểm ngoại tệ được. Vì đây là hai vấn đề khác nhau. Tương tự, không thể vì tắc đường ở Hà Nội mà cấm mọi người đi xe.

    Rõ ràng, gửi ngoại tệ là hợp pháp, là được phép, do đó, người gửi phải được bảo vệ.

    Việc quản lý tỷ giá, việc tiến tới chỉ dùng tiền đồng cần phải làm bằng biện pháp khác, như xây dựng lại uy tín của tiền đồng, gảm lạm phát, lãi xuất thực dương, giảm thâm hụt ngân sách.

    Còn nước khác không bảo hiểm ngoại tệ, thì phải chăng là họ không nhận tiền gửi bằng ngoại tệ?

    Tương tự như, sinh con ra thì làm giấy khai sinh cho con, còn nếu chưa sinh thì chưa thể làm giấy khai sinh. Ở Anh đi đường bên tay trái, còn mình thì đi bên tay phải. Nếu ai đó ở Việt nam mà cứ cố đi bên trái thì vừa nguy hiểm lại vừa vi phạm phát luật.

    Tôi không đồng ý với bạn Phạm Ngọc Phú.
  • [T]om[M]y
    09:41 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/12/2011
    Phạm Ngọc Phú là người của năm 80 à. Việc ngân hàng nhận tiền gửi bằng ngoại tệ đơn giản là do thị trường. Ai bảo nhiệm vụ của nhà nước là làm người dân tin vào tiền đồng, ba xàm. Nhà nước làm gì có đủ đô và vàng để đảm bảo, còn tiền đồng nếu thích thì in bao nhiêu chả có.
  • Phạm Ngọc Phú
    02:18 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/12/2011
    Gửi bạn Châu Ái Phương.

    Nhiệm vụ của Nhà Nước là làm thế nào để ngưòi dân tin tưởng vào tiền đồng chứ không phải nhiệm vụ làm người dân tin vào tiền nước ngoài hoặc vàng.

    Nhà Nước Việt Nam bảo hiểm tiền gửi USD thì Nhà Nước Việt Nam có chức năng giống như Cục dự trữ liên bang Hoa kỳ có chức năng bảo vệ giá trị đồng USD. Đó là một chuyện phi lý.
  • Châu Ái Phương
    00:57 (GMT+7) - Thứ Năm, 15/12/2011
    Tại sao người dân lại giữ vàng và ngoại tệ? Một câu trả lời rất đơn giản là họ đang thiếu lòng tin vào VND và muốn tìm một tài sản khác an toàn hơn. Nay Nhà nước vừa muốn huy động lượng vàng và ngoại tệ này trong dân nhưng không có một đảm bảo an toàn nào cho họ. Vậy với mục tiêu là an toàn, họ có chịu gửi vào không?
  • Phạm Ngọc Phú
    21:35 (GMT+7) - Thứ Tư, 14/12/2011
    Trên lãnh thổ Việt Nam, các ngân hàng nhận tiền gửi bằng ngoại tệ đã là chuyện nực cười rồi (lẽ ra phải thực hiện kết hối), thế mà còn đòi Nhà Nước bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ nữa thì đúng là được voi đòi tiên.

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...