Tiền tệ và tài khóa là các nguyên nhân trực tiếp, kích hoạt lạm phát ở Việt Nam nhưng một nguyên nhân rất quan trọng chưa được quan tâm và xử lý hiệu quả là thể chế thị trường yếu dẫn đến sự mất cân bằng tiền - hàng, gây nên lạm phát.
Nguồn lực sản xuất đã không được phân bổ theo thị trường
Trong những yếu tố sản xuất, vốn là nguồn lực sản xuất quan trọng và mang lại nhiều tăng trưởng nhất cho nền kinh tế Việt Nam, đóng góp trên 50% tăng trưởng GDP. Nhưng cho đến nay, nguồn vốn trong nền kinh tế vẫn được phân bổ một cách rất thiên lệch.
Trong ba loại hình doanh nghiệp đang tồn tại ở Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì loại hình DNNN kém hiệu quả vẫn được ưu ái hơn cả với gần 50% lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Sự lãng phí nguồn vốn của các DNNN này đã và đang chèn ép hoạt động có hiệu quả hơn của các doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh sự chèn lấn của khu vực DNNN đối với khu vực tư nhân, sự chèn lấn của các doanh nghiệp tư nhân lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là một xu hướng đang diễn ra. Điều này thể hiện qua sự xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân lớn có các “mối quan hệ gần gũi” với các tổ chức tài chính và các ngân hàng. Các mối quan hệ này đã tạo ra những khoản “tín dụng theo quan hệ” tài trợ cho các hoạt động mang tính đầu cơ cao như bất động sản, chứng khoán và gần đây là khai thác khoáng sản thô mà không đi vào các hoạt động sản xuất có giá trị gia tăng cao.
Như vậy, phần lớn nguồn vốn trong nền kinh tế đang tìm đến những nơi đầu tư hoặc không hiệu quả hoặc mang tính đầu cơ cao, giá trị gia tăng thấp mà hệ quả tất yếu của nó sẽ là làm tăng rủi ro cho nền kinh tế và lạm phát luôn trong tình trạng chực chờ bùng nổ.
Hệ thống giá cả bị bóp méo
Có nhiều lý giải cho rằng lạm phát Việt Nam tăng cao một phần là do những biến động bất lợi từ sự tăng giá hàng hóa trên thế giới làm cho giá cả các mặt hàng cơ bản, yếu tố đầu vào sản xuất tăng lên nhanh chóng. Lập luận này là đúng nhưng không phản ánh hết sự biến động giá cả các hàng hóa này ở Việt Nam. Thông thường, các yếu tố đầu vào gia tăng mạnh là do một cú sốc cung nào đó làm cho nguồn cung khan hiếm hoặc do một biến cố bất ngờ làm cho giá cả tăng lên mạnh mẽ. Trong tình huống của Việt Nam, rõ ràng chúng ta không hề có một cú sốc cung nào cả, sự gia tăng của yếu tố đầu vào chủ yếu do cách điều hành giá cả trên thị trường.
Chính sách độc quyền trên các thị trường quan trọng như thị trường năng lượng đã làm méo mó giá cả, việc duy trì quá lâu phương pháp quản lý hành chính đối với giá cả hàng hóa như giá điện, xăng dầu... đã làm cho giá không phản ánh đúng quan hệ cung cầu và chi phí sản xuất. Kết quả làm gián đoạn nguồn cung và hoạt động đầu cơ, buôn lậu diễn ra thường xuyên gây nên tình trạng khan hiếm nguồn cung, tạo áp lực buộc cơ quan quản lý phải có những đợt điều chỉnh tăng giá rất mạnh gây nên tình trạng lạm phát cao một cách nhanh chóng.
Nâng cao chất lượng của thể chế thị trường để chống lạm phát
Những phân tích ở trên cho thấy rằng phương pháp chống lạm phát như hiện nay - thắt chặt cung tiền và ngân sách - chỉ có tác dụng ngắn hạn. Nếu tiếp tục duy trì những thể chế thị trường yếu kém hiện tại thì dòng vốn sẽ không được sử dụng hiệu quả, sản lượng của nền kinh tế không tăng tương xứng với vốn đầu tư, giá cả các hàng hóa cơ bản sẽ thường xuyên biến động bất thường gây tổn hại đến nền kinh tế. Do đó lạm phát sẽ nhanh chóng quay trở lại mỗi khi chính sách tiền tệ và ngân sách được nới lỏng.
Về dài hạn, để giải quyết bài toán lạm phát ở Việt Nam, cần nâng cao hiệu quả của thể chế thị trường. Các nguồn lực sản xuất quan trọng như vốn, đất đai... phải được phân bổ theo tín hiệu thị trường đến những nơi sử dụng hiệu quả và tạo ra nhiều giá trị nhất. Để làm được điều này, chúng ta cần có ràng buộc ngân sách cứng đối với các DNNN nhằm đảm bảo các doanh nghiệp này hoặc cạnh tranh theo thị trường hoặc phá sản.
Đồng thời Chính phủ cần có chính sách kiểm soát các mối “quan hệ thân hữu” giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, từ đó hạn chế những hoạt động đầu tư rủi ro cao của các doanh nghiệp này, hướng dòng vốn đi vào các hoạt động sản xuất mang lại nhiều giá trị gia tăng và tạo ra nhiều việc làm hơn.
Ngoài ra, tình trạng độc quyền và các biện pháp quản lý giá theo mệnh lệnh hành chính cũng cần được xóa bỏ. Phải để giá cả vận hành theo quy luật cung cầu. Việc kiểm soát giá cả phải được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở tạo điều kiện phát triển sản xuất và thương mại lành mạnh. Đồng thời, cũng cần hạn chế sử dụng các chính sách bình ổn giá bởi vì thực chất đây là hình thức trợ giá làm méo mó quan hệ cung cầu.
Những thành tựu kinh tế to lớn của Việt Nam trong hơn 20 năm qua xuất phát từ những đổi mới trong cơ chế quản lý kinh tế, đặc biệt là tăng cường vai trò của thể chế kinh tế thị trường. Do đó, không có lý do gì để chúng ta không tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới và nâng cao chất lượng thể chế thị trường nhằm xóa bỏ những rào cản cho sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét