Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Lãi suất 2011: "Trông" và "chờ" lạm phát

Lãi suất phụ thuộc vào CPI trong khi CPI lại phụ thuộc nhiều vào việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
Sau Tết Âm lịch, lãi suất có thể sẽ hạ nhiệt do nhu cầu vốn giảm. Nhưng lãi suất trong những tháng tiếp theo cao hay thấp còn phụ thuộc vào chỉ số lạm phát.
Lãi suất sẽ giảm sau Tết Âm lịch. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng. Vào thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường chưa có chiến lược đầu tư dài hạn. Nguồn vốn kinh doanh của họ lại chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Vì thế, họ sẽ chưa vay vốn ngay. Trong khi đó, không ít người dân, do chưa có kế hoạch cho nguồn vốn thu về hồi cuối năm, cũng sẽ gửi tiền vào ngân hàng để hưởng mức lãi suất khá cao, lên đến 14%/năm như hiện nay.
Bà Cao Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân Đội, cũng cho biết, thông thường vào đầu năm, lượng tiền huy động của các ngân hàng thương mại tốt hơn, giúp cải thiện thanh khoản. “Thời điểm đó, các ngân hàng thương mại bắt đầu mùa kinh doanh mới, nên chưa phải chịu áp lực về giới hạn tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, các ngân hàng vẫn hăng hái triển khai các hợp đồng cho vay với nguồn vốn huy động rẻ hơn”, bà nói.

Nhưng điều các doanh nghiệp quan tâm là liệu lãi suất có giảm sau quý I/2011. Đây là bài toán khó tìm được lời giải chính xác vào lúc này, vì theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, lãi suất không thể thoát ly khỏi chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Nếu lãi suất không thực dương, tức lãi suất huy động không cao hơn CPI thì ngân hàng sẽ không thu hút được người gửi tiền. “Lãi suất gắn liền với CPI. Nói như thế để hiểu cái gốc của vấn đề trước khi giải quyết bài toán lãi suất. Vấn đề lạm phát không bàn thì khó giải quyết bài toán lãi suất”, ông nói.
Nhìn vào chính sách vĩ mô để đo lạm phát
Kết thúc năm 2010, lạm phát đứng ở mức 11,75%. Những lo ngại về sự mất giá của tiền đồng đã khiến nhiều người dân chuyển sang dự trữ vàng hay ngoại tệ, hoặc gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao. Hiện tại, mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và CPI khoảng 3,25 điểm phần trăm. Con số thực tế còn lớn hơn vì có những ngân hàng thu hút khách gửi tiền bằng hình thức thưởng lãi suất.



Lãi suất phụ thuộc vào CPI, trong khi CPI lại phụ thuộc nhiều vào việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Chỉ tiêu CPI đặt ra cho năm 2011 là không vượt quá 7%.
Song theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nếu duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 7% thì lạm phát khó có thể dưới 8%. Ông cũng dẫn ra phân tích của Ngân hàng Standard Chartered là nếu tăng trưởng GDP 7,5% thì lạm phát sẽ trên 10%.
Năm 2008, kinh tế trong nước suy giảm, lãi suất huy động lên đến 18%/năm, lãi suất cho vay 22-24%/năm. Thế nhưng, sang năm 2009, lãi suất đã giảm mạnh. Điều này không có nghĩa là việc này sẽ lặp lại trong năm 2011.
Tình hình hiện nay đang cho thấy có sự tồn tại của nhiều yếu tố đẩy giá, đặc biệt là áp lực tăng giá các hàng hóa đầu vào quan trọng của lĩnh vực sản xuất như điện, than, xăng dầu (Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Toàn cầu (CGES) dự đoán, với sự phục hồi kinh tế thế giới, giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng trong năm 2011). Điều này sẽ kéo theo sự tăng giá của rất nhiều nhóm hàng quan trọng khác như lương thực, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải.
Bà Nga, Ngân hàng Quân Đội, cũng cho rằng, muốn tháo gỡ nút thắt lãi suất, phải giải được bài toán vĩ mô, đặc biệt là vấn đề tỉ giá và lạm phát. Khi tỉ giá ổn định, người dân sẽ có lòng tin hơn vào tiền đồng và không còn trú ẩn vào vàng, ngoại tệ như năm 2010.
Cần chia sẻ lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Ngoài việc kiểm soát CPI, còn có thể trông cậy vào yếu tố nào? Câu trả lời là có, dù đó chỉ là yếu tố hỗ trợ không mang tính quyết định. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, ngân hàng cần chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp để đưa chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay về mức hợp lý, tránh việc ngân hàng có lợi, còn doanh nghiệp thì phải chịu giá vốn cao.
Về điều này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, cho rằng, hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay chỉ 2,5 điểm phần trăm. Theo ông, mức phù hợp là từ 2,2-2,5 điểm phần trăm. Nhưng nếu ép giảm nữa thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng. Nếu theo cách đánh giá này của Ngân hàng Nhà nước thì năm 2011, mức chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra cũng chỉ giảm thêm được 0,3 điểm phần trăm.
Trước mắt, theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam, kiểm soát được mức lãi suất huy động không quá 14%/năm và cho vay khoảng 16-17%/năm đã là tốt. Bởi lẽ, trên thực tế, đã từng xuất hiện tình trạng thỏa thuận ngầm giữa ngân hàng với người gửi tiền để có lãi suất cao hơn mức đồng thuận cam kết giữa các ngân hàng. Hành động này sẽ chỉ làm đẩy cao lãi suất cho vay. Và phần thiệt sẽ thuộc về doanh nghiệp, chứ không phải ngân hàng.
Một biện pháp khác cũng có thể sử dụng là thông qua thị trường mở để cải thiện tính thanh khoản của các ngân hàng. Bà Nga, Ngân hàng Quân Đội, cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định quá khắt khe, những ngân hàng nhỏ sẽ khó vay vốn từ thị trường liên ngân hàng. Để đảm bảo thanh khoản, các ngân hàng nhỏ buộc phải huy động ngoài thị trường với lãi suất cao, khiến mặt bằng lãi suất tăng theo.
Đã có nhiều thời điểm Ngân hàng Nhà nước bơm vốn, nhưng các ngân hàng có năng lực tài chính tốt thì được vay nhiều, còn ngân hàng nhỏ vẫn khó tiếp cận loại vốn này. Theo bà Nga, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh trong nội bộ để mang lại lợi ích chung, nghĩa là đưa ra cơ chế để các ngân hàng nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ thị trường mở hơn, tránh tình trạng nâng lãi suất huy động bằng mọi giá.
Theo NCDT

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...