Ngày 24/10, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 179/2012/TT-BTC quy
định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái
trong doanh nghiệp, áp dụng cho doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại
Việt Nam (không áp dụng cho đối với các tổ chức tín dụng được thành lập
và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng).
Thông tư có hiệu
lực thi hành từ ngày 10/12/2012, áp dụng từ năm tài chính 2012 và thay
thế thông tư số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ Tài chính về việc
hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh
nghiệp.
Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã có bốn lưu ý cho các công ty để thực hiện thông tư trên.
Một là,
cuối kỳ kế toán (quý, bán niên, năm), doanh nghiệp phải đánh giá lại số
dư tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu, nợ phải
trả có gốc ngoại tệ ra "đồng Việt Nam". Khoản chênh lệch tỷ giá hối
đoái do việc đánh giá lại số dư cuối kỳ sau khi bù trừ chênh lệch tăng
và chênh lệch giảm, số chênh lệch còn lại được hạch toán vào doanh thu
hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính trong kỳ.
Hai là,
doanh nghiệp không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức trên lãi chênh
lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán của các khoản
mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
Ba là, chênh lệch
tỷ giá hối đoái do chuyển đổi báo cáo tài chính cơ sở ở nước ngoài sang
đơn vị tiền tệ kế toán doanh nghiệp Việt Nam được phản ánh lũy kế, riêng
biệt trên bảng cân đối kế toán cho đến khi thanh lý cơ sở ở nước ngoài
và khi đó chênh lệch tỷ giá hối đoái sẽ được hạch toán vào doanh thu
hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính của doanh nghiệp.
Bốn là,
đối với các doanh nghiệp đã đánh giá lại số dư ngoại tệ nợ phải trả
cuối năm theo Thông tư 201/2009-TT-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ tài chính
mà chênh lệch tỷ giá hối đoái tăng chưa phân bổ hết vào chi phí trong
năm thì số dư chưa phân bổ được phân bổ tiếp vào chi phí tài chính của
doanh nghiệp, thời gian phân bổ theo số năm còn lại kể từ ngày thông tư
có hiệu lực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét