Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

TS .Vũ Thanh Tự Anh : Hỗ trợ phải trên nền tảng ổn định vĩ mô

Con số 12.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể trong ba tháng đầu năm đã thể hiện khá rõ những khó khăn của nền kinh tế. Liệu động thái giảm 2 điểm phần trăm lãi suất trong hai tháng liên tiếp có phải là cách gỡ khó khăn trong giai đoạn này, và bên cạnh đó còn cần thêm những chính sách nào nữa? Phóng viên TBKTSG đã có buổi trao đổi ngắn với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, về vấn đề này.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố hạ trần lãi suất huy động từ 13% xuống 12% trong tuần qua. Nhiều tổ chức nước ngoài đánh giá động thái này của nhnn là quá sớm? Ông nghĩ sao về điều này?
- TS. Vũ Thành Tự Anh: Giảm lãi suất thêm một điểm phần trăm ở thời điểm này không hề quá sớm. Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 4 không tăng đột biến thì CPI so với cùng kỳ năm trước sẽ chỉ ở mức
trên dưới 11%, và khi ấy người gửi tiền sẽ được hưởng lãi suất thực dương. Hơn nữa, tôi tin rằng CPI sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tiếp theo, và đến tháng 6 sẽ chỉ dao động xung quanh 8-9%. Nếu điều này xảy ra, NHNN thậm chí có thể cân nhắc tiếp tục giảm lãi suất nữa.
Bên cạnh đó, áp lực giảm lãi suất đang rất lớn, không chỉ từ phía các doanh nghiệp sản xuất mà còn từ thị trường bất động sản, chứng khoán và bản thân hệ thống ngân hàng. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất không tiếp cận được vốn, hoặc tiếp cận được nhưng với lãi suất quá cao đã dẫn tới tình trạng sản xuất đình trệ.
Đến cuối quí 1, chỉ số sản xuất công nghiệp ở mức rất thấp 4,1%, đồng thời chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới mức kỷ lục 35%. Đối với thị trường bất động sản, nếu không đảo được nợ, rủi ro trên thị trường này sẽ tác động trực tiếp tới nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại.
Cũng cần nói thêm rằng thanh khoản của nhiều ngân hàng hiện nay đang bị ứ đọng. Điều này không chỉ do mặt bằng lãi suất còn cao, mà còn vì ngân hàng sợ rủi ro khách hàng không trả được nợ. Đây cũng là những lý do giúp cho việc phát hành tín phiếu vừa qua rất thuận lợi, mặc dù với lãi suất chỉ ở mức 10-11%.
Trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, sức mua giảm, thì động thái này giúp ích như thế nào?
- Việc hạ lãi suất huy động là một cơ sở để hạ lãi suất cho vay, nhờ vậy góp phần kích thích hoạt động đầu tư và sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, như đã nói, nếu không giảm được rủi ro vĩ mô và rủi ro thị trường thì không có gì đảm bảo rằng việc giảm lãi suất huy động sẽ giúp khơi thông luồng tín dụng đang ách tắc của hệ thống ngân hàng.
Số liệu thống kê cũng cho thấy lượng tiền gửi của khu vực hộ gia đình vẫn đang tăng. Khi người dân có khuynh hướng tiết kiệm, tiêu dùng sẽ phải tăng chậm và đây là lý do khiến doanh số bán lẻ quí 1 sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng ở mức rất thấp là 5%. Hơn nữa, việc giảm lãi suất ở mức một điểm phần trăm lần này cũng không thể có tác dụng ngay lập tức và đáng kể đối với tiêu dùng.
Nói tóm lại, không nên kỳ vọng đợt giảm lãi suất lần này sẽ làm được điều thần kỳ là kích thích đầu tư, tăng tiêu dùng và nhờ đó tăng tổng cầu. Thay vào đó, nên coi nó là một bước trong lộ trình nhằm giảm lãi suất trong khi không tạo ra những tác động tiêu cực tới lạm phát, nhờ đó tiếp tục truyền đi thông điệp ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện niềm tin của thị trường.
Trong năm 2009 Chính phủ đã đưa ra một gói kích cầu, chủ yếu là bù lãi suất, với tình hình hiện nay có nên đặt ra một gói kích cầu hay bình ổn giá để kích thích tiêu dùng chăng?
- Điều này vừa không nên, vừa không thể. Không nên là vì từ kinh nghiệm của gói kích cầu 2009, kết quả không được như kỳ vọng, không những thế còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực về vĩ mô như đã chứng kiến trong hai năm 2010 và 2011 sau đó.
Không thể là vì dư địa về tài khóa của chính phủ không còn nhiều, vì vậy không thể dồn nguồn lực cho một gói kích cầu lớn như năm 2009. Vấn đề quan trọng là phải đảm bảo ổn định giá cả, còn kích cầu mà dẫn tới lạm phát như mấy năm qua thì rất kém hiệu quả.
Như vậy, có cách nào để giải bài toán này? Làm gì để người dân tiêu dùng nhiều hơn, thúc đẩy sản xuất?
- Biện pháp thích hợp trong điều kiện hiện nay là một mặt giảm thuế cho doanh nghiệp và tiếp tục giảm lãi suất theo xu thế giảm lạm phát để kích thích sản xuất, đồng thời vẫn phải kiên định với mục tiêu ổn định vĩ mô. Chỉ trên nền tảng vĩ mô ổn định thì thu nhập thực của người dân mới không bị xói mòn, họ mới chi tiêu nhiều hơn, các doanh nghiệp mới đủ tự tin đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...