Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Lòng tham

Trong một hội thảo về lịch sử kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ (American Institute for Economic Research) tại Massachusetts năm 2000 một diễn giả đã làm một cuộc khảo sát nhỏ hỏi các nhà kinh tế tham dự khái niệm kinh tế nào có ý nghĩa quan trọng nhất cho sự phát triển của kinh tế học kể từ "bàn tay vô hình" của Adam Smith. Những đề cử từ hội trường khá đa dạng, từ khái niệm "cận biên" của Walras đến "cân bằng tổng thể" của Arrow, từ "animal spirit" của Keynes đến "spontaneous order" của Hayek, thậm chí cả "giá trị thặng dư" của Marx và "creative destruction" của Schumpeter cũng được nhắc đến. Nhưng kết quả bình chọn khá bất ngờ, "Pareto efficiency" được đa số cho là khái niệm kinh tế quan trọng nhất, nó được đặt theo tên của Vilfredo Pareto - một nhà kinh tế người Ý cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Vậy Pareto efficiency là gì và tại sao nó lại quan trọng như vậy? Nói ngắn gọn khái niệm này được dùng để chỉ tình trạng một hệ thống kinh tế không thể cải thiện thêm được nữa nếu không làm một số thành viên bị thiệt hại. Lấy ví dụ khi một doanh nghiệp giảm giá sản phẩm thì người tiêu dùng được lợi nhưng doanh nghiệp đó có thể sẽ có lợi nhuận tăng lên hay giảm đi tùy thuộc vào doanh số có tăng lên sau khi giảm giá hay không. Nếu lợi nhuận vẫn tăng thì mức giá cũ chưa phải là Pareto efficient và tất cả các bên sẽ cùng có lợi khi doanh nghiệp giảm giá. Mức giá đạt đến Pareto efficient nếu giảm thêm nữa thì lợi nhuận bắt đầu giảm, nghĩa là người mua được lợi nhưng người bán sẽ bị thiệt. Một đặc điểm quan trọng của khái niệm này là nó tách biệt tính hiệu quả về mặt kinh tế với tính công bằng trong việc phân chia sản phẩm và của cải trong xã hội cho mọi thành viên. Một hệ thống kinh tế có thể rất hiệu quả nhưng không nhất thiết công bằng.

Đây là một bước ngoạt trong kinh tế học vì kể từ khi khái niệm Pareto efficiency ra đời ngành khoa học này đã chính thức tách biệt chính trị với kinh tế, trước đó người ta vẫn biết nó với tên gọi political economy. Kể từ đây các nhà kinh tế phủi tay nói nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là làm sao cho nền kinh tế phát triển tốt còn những vấn đề như chênh lệch thu nhập hay an sinh xã hội là việc của các nhà chính trị. Cũng kể từ đây giới kinh tế học tin rằng công bằng xã hội, hiểu theo nghĩa công bằng về phân chia sản phẩm, phải được đánh đổi bằng hiệu quả kinh tế - muốn một nền kinh tế công bằng hơn phải giảm hiệu quả kinh tế xuống. Một nền kinh tế thị trường sẽ đạt Pareto efficiency nếu từng cá thể chỉ cần biết đến seft interest của mình, nghĩa là người tiêu dùng cứ "tham" mua rẻ, nhà sản xuất cứ "tham" bán đắt miền là "bàn tay vô hình" phát huy tác dụng. Tính tham lam trong kinh tế là biểu hiện của rationality, bản chất tự nhiên của con người và không có gì đáng trách. Bởi vậy nếu một bộ phận xã hội nào đó bị thua thiệt quá nhiều trong hệ thống kinh tế này, giải pháp thích hợp nhất không phải là những người khác phải bớt tham mà là nhà nước với bàn tay hữu hình của mình can thiệp vào thị trường để phân chia lại của cải trong xã hội qua một hệ thống thuế có tính progressive.

Nhưng thực tế không đơn giản như các mô hình kinh tế. Ngay từ những năm 1930, nghĩa là chỉ vài chục năm sau khi khái niệm Pareto efficiency ra đời, John Maynard Keynes đã nhận ra rằng bàn tay vô hình có thể có lúc bất lực: seft interest của từng cá nhân có thể sẽ không đồng nhất với interest của toàn xã hội. Bởi vậy vai trò của nhà nước không chỉ đơn thuần là phân phối lại của cải cho công bằng hơn mà còn phải thực thi những chính sách kinh tế và chức năng quản lý, giám sát để giảm bớt sự lệch pha giữa seft interest và social interest. Nói cách khác Keynes đã hoài nghi quan điểm cho rằng lòng tham của mỗi cá nhân không có hại cho toàn xã hội, dù xét trên khía cạnh Pareto efficiency. Một loạt những vấn đề kinh tế được nghiên cứu trong thế kỷ 20 (externality, information asymmetry, public goods, imperfect competition) cũng có dẫn đến kết luận giống Keynes: can thiệp của nhà nước là cần thiết bên cạnh việc phân bổ lại của cải giữa các cá nhân trong xã hội vì thị trường có những lúc thất bại. Ngoài việc trực tiếp tác động vào nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ, nhà nước cần phải có một hệ thống quản lý và điều tiết hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cách nói khác của việc phải quản lý lòng tham, để đạt Pareto efficiency cho toàn xã hội.

Sang đầu thế kỷ 21, cuộc khủng hoảng vay địa ốc dưới chuẩn 2007-2009 một lần nữa lại khơi dậy lập luận của Keynes, nhưng lần này trực diện vào lòng tham của giới tài chính. Trong những cuộc biểu tình của phong trào Chiếm phố Wall có một khẩu hiệu khá phổ biến là "Chấm dứt cứu trợ các ngân hàng". Những người biểu tình cho rằng giới đầu cơ tham lam là một phần nguyên nhân của cuộc khủng hoảng dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao mà họ là những nạn nhân trực tiếp trong khi chính những kẻ tội đồ này lại được chính phủ Mỹ trợ giúp, gián tiếp chuyển ngược tiền thuế từ người nghèo vào túi người giầu. Lòng tham của giới phố Wall là nguyên nhân dẫn đến việc cho vay tràn lan rồi dấu nhẹm rủi ro bằng hàng loạt những công cụ tài chính phức tạp. Cũng chính vì lòng tham mà họ đã vận động QH Mỹ bãi bỏ nhiều qui định và quản lý hoạt động tài chính để gia tăng lợi nhuận và tất nhiên là lương và thưởng cho chính họ. Nhờ những nới lỏng quản lý trong thập kỷ 1980-1990 mà phố Wall đã trở nên quá lớn đến mức họ có thể bắt cả nền kinh tế làm con tin khi khủng hoảng nổ ra. Một cuộc khủng hoảng và suy thoái nặng nhất kể từ năm 1933 là cái giá nước Mỹ phải trả để có thể đưa ra một bộ luật nhằm siết lại lòng tham của giới bankers (luật Dodd-Frank 2010).

Bên cạnh những cuộc biểu tình Chiếm phố Wall đã trở nên quen thuộc vào cuối năm 2011, một cuộc biểu tình khác rất kỳ lạ đã diễn ra ở thủ đô Washington tháng 11/2011. Cùng với "lãnh tụ" Warren Buffett, hơn một trăm triệu phú Mỹ đã đưa ra yêu cầu chính phủ nước này phải đánh thuế thêm vào thu nhập của họ và những người giàu có khác. Chẳng phải họ không tham lam muốn đóng thêm tiền cho chính phủ mà vì họ biết hệ thống thuế trên thực tế có rất nhiều lỗ hổng, Warren Buffett cho biết ông đóng thuế ít hơn nhân viên của mình nếu tính theo tỷ lệ thu nhập. Đòi hỏi của nhóm triệu phú này là xóa bỏ những lỗ hổng trong luật thuế để ngăn ngừa bớt lòng tham của những người đã vận động hành lang nhằm lái luật lệ có lợi cho mình. Đây là vấn nạn "regulatory capture" mà George Stigler đã chỉ ra trong lý thuyết public choice của mình từ giữa thế kỷ 20. Trong một hệ thống chính trị không hoàn hảo, lòng tham của những nhóm lợi ích sẽ dẫn đến tình trạng quản lý nhà nước bị lợi dụng cho mục đích cá nhân mà toàn xã hội sẽ phải trả giá. Vấn đề là không phải thời nào, xã hội nào cũng có những người như Warren Buffett và không phải lúc nào họ cũng thắng những kẻ tham lam luôn muốn lái luật lệ theo hướng có lợi cho mình.

Năm 1992 nhà chính trị học Francis Fukuyama trở nên nổi tiếng khi ông cho rằng lịch sử tiến hóa các hình thái xã hội của nhân loại đã đến đích sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Hệ thống kinh tế thị trường tự do với một nhà nước dân chủ là điểm đến cuối cùng của lịch sử loài người. Nhưng chính học giả này trong những năm gần đây đã nhận ra giới hạn của mô hình kinh tế thị trường tự do tuyệt đối (laissez-faire) khi lòng tham của từng cá nhân được phép phát huy không hạn định. Chưa một hệ thống quyền lực, kinh tế, tôn giáo nào có giải pháp triệt để kiểm soát bản tính tham lam của con người. Tuy nhiên với những gì loài người đã trải qua trong mấy nghìn năm lịch sử, một nền kinh tế thị trường với một số can thiệp nhất định của nhà nước vẫn là thỏa hiệp hiện thực nhất. Không như Fukuyama dự báo, xã hội loài người vẫn không ngừng tiến hóa để tìm đến một điểm Pareto efficiency hợp lý. Trên con đường này chắc chắn sẽ cần có không ít những cuộc biểu tình như phong trào Chiếm phố Wall hiện tại, những cuộc cách mạng như Mùa xuân Ả rập vừa qua, và có thể cả những cuộc khủng hoảng, suy thoái như chúng ta đã chứng kiến.
                                                                                                                            Blog giangle

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...