Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Muốn hạ lãi suất ,các nhóm lợi ích cần biết hy sinh

Để việc hạ lãi suất được bền vững thì phải xuất phát từ việc hạ kỳ vọng lạm phát chứ không phải là đi ngược lại quy trình này.


Và việc hạ kỳ vọng lạm phát, trong ngắn hạn, phải xuất phát từ việc hạ giá những chi tiêu cơ bản trong nền kinh tế như giá xăng, điện, giáo dục, y tế và lương thực.

Giảm lãi suất nhưng đừng để trở thành trợ giá cho nhóm lợi ích trung gian

Để việc hạ lãi suất được bền vững thì cần phải đi tìm nguyên nhân lãi suất cao. Từ những gì diễn ra, ta thấy có hai nguyên nhân cơ bản làm cho lãi suất cao thời gian qua là (1) các ngân hàng phải đẩy lãi suất huy động lên cao do đó góp phần đẩy mặt bằng lãi suất cho vay; (2) lãi suất huy động bị đẩy lên cao là do mặt bằng lạm phát cao và kỳ vọng lạm phát tương lai vẫn còn cao, cộng với tỷ suất sinh lợi cao của những công cụ đầu tư khác như vàng, buộc người dân đòi hỏi một mức sinh lợi lớn thì mới chịu gửi tiền vào ngân hàng.

Như vậy, giảm lãi suất phải bắt đầu từ việc hạ mặt bằng lạm phát kỳ vọng. Nói cách khác là làm cho người dân tin tưởng các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả và kéo lạm phát về dưới một con số, tốt nhất là vào năm 2012.

Cho đến nay, dù đã thực hiện kiểm soát đầu tư công và thắt chặt tiền tệ, giá cả trong nền kinh tế vẫn bị đội lên, một phần do việc kiểm soát tài khóa chưa thật chặt chẽ, bên cạnh đó còn là do một số nhóm lợi ích kiểm soát các kênh phân phối của các mặt hàng nông sản, xăng dầu, điện, giáo dục, y tế... Điều này dẫn đến mặt bằng giá cả bán lẻ hiện tại bị đội lên nhiều so với giá bán sỉ và mặt bằng chi phí chung trong xã hội ở mức cao.

Nếu nói rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế khó khăn và thua lỗ do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu thì không lý do gì chấp nhận một nhóm lợi ích có tỷ suất sinh lợi cao nhờ nắm giữ những mắt xích quan trọng trong các kênh phân phối và nắm vai trò gần như độc quyền ở một số lĩnh vực, và thậm chí nhóm lợi ích này còn thực hiện việc công bố lỗ trong khi họ thật sự là lời.

Do vậy, nếu nhóm lợi ích này chấp nhận chia sẻ gánh nặng về giá cả trong nền kinh tế thì có thể giúp mặt bằng giá cả được kiểm soát tốt hơn. Chỉ cần khi giá một số mặt hàng thiết yếu được kiềm chế, kỳ vọng lạm phát của người dân nhiều khả năng sẽ giảm đi và do đó giúp ích nhiều cho việc hạ lãi suất được bền vững.

Có ý kiến cho rằng giảm lãi suất trước mới làm giảm lạm phát. Ý kiến này dựa trên giả định lạm phát hiện tại là do chi phí đẩy. Theo đó, doanh nghiệp có thể đẩy được phần lớn chi phí tăng thêm vào giá bán cho người tiêu dùng gánh chịu. Nhưng điều đó chỉ đúng nếu nền kinh tế đang khan hiếm hàng hóa thì quyền lực làm giá (bargaining power) của doanh nghiệp mới thật sự có tác động lớn.

Nhưng tình hình tiêu thụ hàng hóa trên thị trường hiện tại và tình trạng hàng tồn kho của một số doanh nghiệp cho thấy một thực tế ngược lại (xem số liệu cụ thể trong bài “Điểm sáng đang mờ dần” tr. 44-45 số báo này).

Quyền lực làm giá của các doanh nghiệp sản xuất không lớn, đồng thời với sự tồn tại của những nhóm lợi ích có khả năng chi phối khâu phân phối trung gian và “làm giá” mạnh với những sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng khiến cho lập luận hạ lãi suất có thể giúp hạ lạm phát cần phải có thêm nhiều chứng cứ thực tiễn đáng tin cậy.

Cho dù chi phí lãi vay của doanh nghiệp sản xuất hạ khiến họ có thể hạ giá bán ra thì thông qua kênh phân phối nó vẫn có thể được đẩy lên thêm để khi đến tay người tiêu dùng giá cả vẫn như cũ nhưng người đóng vai trò trung gian hưởng lợi thêm một phần nữa. Thực tế giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng đã qua một hệ thống kênh phân phối chằng chịt trong nền kinh tế, nên có thể biến việc hạ lãi suất thành việc trợ giá thêm cho nhóm lợi ích trung gian phân phối trong nền kinh tế chứ không phải là chống lạm phát.

Vì vậy, hạ mặt bằng lãi suất và tiếp tục thực hiện phân phối tín dụng cho doanh nghiệp cần tiền để đảm bảo duy trì sản xuất và đảm bảo tăng trưởng, tránh vỡ nợ và thất nghiệp là hợp lý, nhất là trong bối cảnh khả năng tăng tín dụng vẫn còn đó (mức tăng tín dụng hiện tại trong hệ thống vẫn dưới mục tiêu 20% đề ra cho cả năm).

Tuy nhiên, không phải muốn hạ mặt bằng lãi suất một cách bền vững là có thể làm được nếu lạm phát tiếp tục cao. Sử dụng công cụ bơm thanh khoản, tái cấp vốn hay các biện pháp đồng thuận hạ lãi suất chỉ có thể tác động tạm thời đến mặt bằng lãi suất.

Nếu kỳ vọng lạm phát và mặt bằng lạm phát vẫn cao thì không thể hạ lãi suất được bền vững. Và càng không thể kỳ vọng hạ lãi suất sẽ chặn được lạm phát trong bối cảnh doanh nghiệp sản xuất không có nhiều quyền lực quyết định giá trong khi nhóm lợi ích có tác động lớn trong chuỗi phân phối thì vẫn có khả năng đẩy giá các mặt hàng thiết yếu lên cao.

Lãi suất cao và tính bất định: cái nào quan trọng hơn

Một số ngân hàng cho rằng hiện nay đang rất thừa tiền nhưng do lãi suất cho vay quá cao nên doanh nghiệp không thể chịu đựng nổi. Lập luận này đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng phải hạ lãi suất. Tuy nhiên, liệu đây có phải là thông tin chính xác? Khi được ngân hàng điều tra hoặc phỏng vấn, đương nhiên các doanh nghiệp dễ trả lời do lãi suất cao nên họ không thể vay được.

Nhưng nếu cách hỏi đúng, doanh nghiệp có thể trả lời rằng họ không vay nợ vì nền kinh tế đang rơi vào tình trạng bất định quá lạ lùng. Điều tốt nhất, vì vậy, nên là chờ đợi và trong thời gian này họ buộc lòng phải thu hẹp sản xuất. Hơn nữa, truyền thông thế giới hàng ngày hàng giờ đều đề cập đến một giai đoạn mới của tăng trưởng bền vững trong tương lai là giảm nợ (deleveraging), nên có khả năng các doanh nghiệp nước ta đang trong quá trình cấu trúc lại, bắt đầu từ việc tái cấu trúc (giảm) nợ.

Hiện cũng chưa có bất kỳ một tổ chức độc lập đáng tin cậy nào công bố nguyên nhân các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất là do lãi suất quá cao hay do tính bất định của nền kinh tế quá mạnh.

Chẳng hạn con số 30% doanh nghiệp được cho là phá sản trong thời gian qua còn thiếu nhiều thông tin quan trọng như tiểu sử hoạt động của các doanh nghiệp này trước đó tốt hay xấu (doanh nghiệp phá sản có suất sinh lợi bình quân 20% trở lên khác với doanh nghiệp thường xuyên thua lỗ); ngành nghề hoạt động có mang tính đầu cơ hay không; số lượng công nhân (doanh nghiệp phá sản có vài chục công nhân khác với vài ngàn)… Ai cũng biết dữ liệu thống kê ở nước ta cứ u u minh minh nên những thông tin thuộc dạng như thế cần phải được Ngân hàng Nhà nước xử lý thật thận trọng và khách quan.

Hãy nhìn vào sự thất bại của chương trình lãi suất cực thấp mà Ngân hàng Trung ương Mỹ đang triển khai mới thấy có phần nào giống với các doanh nghiệp nước ta. Kinh tế Mỹ hiện rơi vào một nghịch lý oái oăm, các ngân hàng và doanh nghiệp đều đang ngồi trên một đống tiền do hưởng lợi từ các chương trình kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương và chính phủ. Thế nhưng các ngân hàng vẫn không thể cho vay mặc dù lãi suất cực thấp.

Nhiều nhà kinh tế Mỹ đã chỉ ra nguyên nhân chính của tình trạng trên là do tính bất định của nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Cho dù lãi suất bằng 0 cũng không ai dám vay mượn. Sức cầu quá yếu và tương lai đầy bất ổn của kinh tế thế giới khiến cho dù có bơm bao nhiêu tiền và hạ lãi suất xuống bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể nào mở rộng được sản xuất.

Những tranh luận trên cho thấy để việc hạ lãi suất được bền vững thì phải xuất phát từ việc hạ kỳ vọng lạm phát chứ không phải là đi ngược lại quy trình này. Và việc hạ kỳ vọng lạm phát, trong ngắn hạn, phải xuất phát từ việc hạ giá những chi tiêu cơ bản trong nền kinh tế như giá xăng, điện, giáo dục, y tế và lương thực. Nếu được như thế, thì thông điệp của tân Thống đốc về việc có khả năng sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có những chính sách điều chuyển vốn từ ngân hàng thừa vốn sang ngân hàng thiếu vốn để giảm lãi suất mới là hướng đi thích hợp trong bối cảnh hiện tại.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những nhóm lợi ích doanh nghiệp và ngân hàng cần hiểu được rằng họ phải mất một chút ít lợi ích trước mắt để kéo nền kinh tế lên trở lại đường ray. Suy cho cùng cũng để họ thụ hưởng lợi ích lâu dài hơn.

Theo Trần Ngọc Thơ - Hồ Quốc Tuấn

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...