Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Lạm phát và lãi suất: Nước lên, thuyền lên

 Từ tháng 4-2011 lạm phát đã bắt đầu giảm nhiệt, song lãi suất cao vẫn đang là vấn đề đau đầu đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan có trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ. Thực ra các doanh nghiệp còn đau đầu hơn, bởi lãi suất cho vay của ngân hàng thấp cũng đã 18-20%, cao thì tới 22-25%, lợi nhuận nào chịu cho thấu! Các ngân hàng thương mại cũng không vui vẻ gì, bởi lãi suất huy động của họ không thể chỉ là 14% như trần quy định, mà đã phải cao hơn nhiều để giữ tiền gửi không chảy sang ngân hàng khác.
Để ngăn chặn ngân hàng thương mại tùy tiện trả lãi suất huy động vượt trần và tăng lãi suất cho vay, đã có ý tưởng quy định cả trần lãi suất cho vay. Song ý tưởng này chưa thành hiện thực, bởi có e ngại rằng mức trần lãi suất cho vay này cũng sẽ bị vô hiệu hóa như trần lãi suất huy động. Sự lúng túng này thể hiện tư duy chưa rõ ràng về mối liên hệ nhân quả giữa lạm phát với lãi suất.


Muốn giảm được lãi suất ngân hàng thì trước tiên cần phải đẩy lùi lạm phát.

Nước lên, thuyền lên
Thành ngữ trên diễn đạt tương quan vật lý giữa nước và thuyền, cũng diễn đạt mối quan hệ nhân quả giữa hai sự việc. Để phù hợp với ý tưởng nêu trong bài này, xin mạn phép được cải biên thành ngữ trên thành “lạm phát tăng (giảm), lãi suất tăng (giảm)”, trong đó lạm phát là nhân, lãi suất là quả. Cách hiểu như vậy không có gì mới, bởi lãi suất thực chất cũng chỉ là một loại giá: giá vốn vay. Trong điều kiện lạm phát, mọi giá đều tăng, cho nên giá vốn vay (hay lãi suất) có tăng cũng là điều hợp lẽ.
Thực tế cho thấy lạm phát và lãi suất đồng hành, tuy cùng chiều, nhưng lãi suất luôn cao hơn lạm phát, bởi trong quan hệ tín dụng, nguyên tắc lãi suất huy động thực dương được chấp nhận nhằm bảo đảm cho người gửi tiền có “lãi”. Thật vậy, những năm trước đây, khi lạm phát ở mức 5-7%, lãi suất huy động trên dưới 10% là đã được chấp nhận, bởi sau khi trừ đi khoản mất giá do lạm phát, người gửi tiền vẫn còn có thể lãi được 3-4%. Bởi vậy khi lạm phát lên tới 11,75% (năm 2010), theo nguyên tắc lãi suất dương, các ngân hàng đã chủ động nâng lãi suất huy động lên cao hơn lạm phát nhằm giữ chân người gửi tiền.
Trước tình thế đó, NHNN cảm thấy cần trực tiếp can thiệp để đưa lãi suất huy động đi vào trật tự. Tháng 3-2011, NHNN ra thông tư quy định trần lãi suất huy động 14%. Con số 14% có lẽ cũng bắt nguồn từ nguyên tắc lãi suất thực dương, nhưng lại tính trên cơ sở so sánh một con số tĩnh (trần lãi suất 14%) với một con số động (11,75%, lạm phát vào thời điểm 12-2010). Vì thế khi trần lãi suất tiếp cận được với lạm phát, thì lạm phát đã là con số cao hơn. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2011, lạm phát đã tăng thêm 6%, tức là đã vượt trần lãi suất huy động ngay tại thời điểm nó được ban hành.
Nếu từ tháng 3-2011, ngân hàng chỉ trả cho người gửi tiền đúng theo trần lãi suất, lãi suất thực sẽ không còn là dương nữa, mà đã trở thành âm. Tính tới tháng 6-2011, lạm phát đã lên đến 13,29%, dự kiến cả năm có thể lên tới 18-20%, vượt xa lãi suất trần. Người gửi tiền cảm thấy “lỗ” và phản ứng tự nhiên là muốn rút tiền về để đưa vào nơi trú ẩn an toàn hơn.
Để tránh tình trạng rút tiền ồ ạt, các ngân hàng phải tìm cách “lách” luật. Về danh nghĩa họ vẫn chỉ trả lãi suất tối đa là 14%, nhưng lại trả thêm các khoản thưởng, khuyến mãi... sao cho lãi suất thực lại trở thành dương. Ý tưởng khống chế lãi suất huy động bằng biện pháp hành chính của NHNN đã không hiệu quả.
Nước xuống, thuyền mới xuống được
Với nhận thức lãi suất là một loại giá, lãi suất huy động phải biến động theo lạm phát. Lạm phát khiến giá cả vật tư, hàng hóa tăng, cầu vốn kinh doanh tăng. Cùng lúc, Nhà nước lại thi hành chính sách tiền tệ thắt chặt, cung vốn hạn chế. Trong tình thế đó, lãi suất tăng là đúng theo quy luật khách quan. Một mặt nó khuyến khích tăng cung (thu hút thêm tiền gửi vào ngân hàng), mặt khác hạn chế cầu (người ta chỉ vay khi có lợi). Cho nên lãi suất tăng (giảm) chính là cơ chế tự cân đối cung cầu vốn vay của kinh tế thị trường. Nếu lạm phát tiếp tục tăng, thì lãi suất tất phải tăng theo, dù cho Nhà nước có dùng quyền lực quy định lãi suất trần, như đã làm, thì trong thực tế các ngân hàng thương mại cũng tìm ra cách phá thủng cái trần đó.
Một nền kinh tế mà lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều quá cao là một nền kinh tế không bình thường, chứa đựng nhiều nhân tố không ổn định. Trong mối tương quan “nước lên, thuyền lên”, nếu muốn “thuyền xuống”, thì “nước phải xuống”. Muốn giảm lãi suất, phải giảm được lạm phát, chứ không phải ngược lại. Cho nên cuộc chiến giảm lãi suất nằm trong và dựa vào kết quả cuộc chiến chống lạm phát. Những điều này đã được đề cập trong Nghị quyết 11. Vấn đề là ở chỗ vận dụng cụ thể sao cho đồng bộ.
                                                                                                                                    (TBKTSG)

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...