CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với Cục An ninh tiền tệ và Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra vụ “lừa đảo vay vốn hàng ngàn tỷ đồng ở NH Phát triển VN”. CQĐT đang làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ tại NH Phát triển VN, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông.
Về những phi vụ lừa đảo vay vốn hàng ngàn tỷ đồng ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại một số chi nhánh Ninh Thuận, Đắk Lắk - Đắk Nông... gây bức xúc dư luận, bước đầu cơ quan Công an đã vào cuộc làm rõ và bắt giam một số giám đốc doanh nghiệp liên quan trong việc lừa đảo vay vốn. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, những ai đã tiếp tay cho các doanh nghiệp lừa đảo này rút tiền Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng một cách dễ dàng?
Qua kiểm tra từ các hợp đồng khống để thế chấp vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành bắt tạm giam ba đối tượng: Cao Bạch Mai, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Minh Nhật (địa chỉ tại huyện Cư Jút, Đắk Nông); Trần Thị Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân và Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty TNHH Phát Long (trú tại phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, thời gian từ năm 2009 đến giữa 2011, cả ba đối tượng trên đã câu kết với nhau làm giả một số hợp đồng xuất khẩu hàng hóa với các đối tác người nước ngoài, sau đó mang đi thế chấp ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông để vay vốn ưu đãi hơn 1.000 tỷ đồng. Sau khi vay được tiền, ba đối tượng trên đã dùng số tiền này để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và chi tiêu cá nhân. Khi đến thời hạn trả gốc và lãi cho ngân hàng thì cả ba đều thoái thác trách nhiệm và có ý định trốn nợ.
Theo dư luận địa phương, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân là những phụ nữ khá mạnh tay trong việc dùng tiền. Để có tiền, họ đã nghĩ ra nhiều mưu kế mà đặc biệt là tập trung vào việc rút vốn ngân hàng theo chính sách ưu đãi. Để làm được điều đó, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân đã câu kết cùng một số người làm nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng hóa với đối tác nước ngoài khống nhằm thế chấp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông để vay ưu đãi với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Để tạo tin tưởng, hai giám đốc này đã nhờ một số người nước ngoài tiếp tay và thông qua người quen. Từ các hợp đồng mua bán hàng hóa giả mạo đã được một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh bảo lãnh và nhận cam kết trả nợ thay nếu như bà Mai và bà Xuân bội tín hoặc không có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, sau khi vay được tiền, 2 đối tượng này không trả lãi cho ngân hàng, đến ngày thu hồi nợ gốc, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng không liên lạc được.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với Cục An ninh tiền tệ và Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục tiến hành điều tra vụ việc. Trong đó, bước đầu cơ quan Công an cũng đang xem xét làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Vũ Việt Hùng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Đắk Lắk - Đắk Nông để phục vụ cho công tác điều tra của cơ quan Công an.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Nhật thành lập vào tháng 4/2004 với ngành nghề chuyên kinh doanh những sản phẩm nông sản như cafe, cao su, điều… đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra thị trường các nước châu Âu. Công ty có tổng số lao động trên 300 người gồm. Ngoài ra, công ty còn hoạt động trồng cao su, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, chế biến thức ăn gia súc, chế biến mủ cao su, bán buôn lâm sản nguyên liệu, dịch vụ sửa chữa và rửa xe, nhập khẩu phân bón các loại, xuất nhập khẩu nông lâm sản với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Công ty có 3 chi nhánh đặt tại 3 tỉnh: Đắk Lắk, Bình Dương và quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Còn Công ty TNHH Nhật Tân, người đại diện là Trần Thị Xuân thường trú 32/7, Đinh Công Tráng, phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Công ty đăng ký kinh doanh có khá nhiều ngành nghề như trồng cây cao su, trồng rừng và chăm sóc rừng, nhập khẩu phân bón các loại; xuất khẩu nông sản, cà phê nhân, điều nhân, bột giấy và giấy; xuất nhập khẩu nông, lâm sản và máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất cao su và chế biến nông, lâm sản và phế liệu phục vụ cho luyện cán thép, vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lớn hoạt động của các công ty này chỉ là lá "bùa" để vay vốn. Và lẽ tất nhiên để làm được những điều không bình thường ấy phải có sự "giúp đỡ" từ phía ngân hàng Phát triển Việt Nam
Theo : CAND online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét