Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Khủng hoảng Nhật và kinh tế thế giới

Hội nghị Phát triển Đông Á tại Singapore đầu tuần này tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Nhật Bản và tác động của nó đối với kinh tế Nhật, khu vực Đông Á và thế giới nói chung.
Bên cạnh những mất mát không thể bù đắp được về nhân mạng, thảm họa động đất và sóng thần đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Nhật vốn đang trì trệ, dự báo mức tăng trưởng năm 2011 được đưa ra trước vụ động đất chỉ là 1,7%. Tuy nhiên, theo bà Naoko Ishii, Thứ trưởng Bộ Tài chính, trưởng đoàn Nhật Bản tại hội nghị Singapore, nước Nhật sẽ không sụp đổ, không tan rã và triển vọng kinh tế Nhật sẽ không quá u ám.

Kinh tế Nhật: suy giảm tạm thời
Ngân hàng Thế giới, cơ quan chủ trì hội nghị, đưa ra đánh giá đầu tiên và sơ bộ về thảm họa Nhật Bản: “Mức tăng GDP thật (của Nhật) sẽ chậm lại nhưng sự suy giảm có thể chỉ tạm thời... Tăng trưởng sẽ bắt đầu mạnh lên từ giữa năm 2011 khi những nỗ lực tái thiết được triển khai. Kinh nghiệm quá khứ của Nhật Bản cho thấy, nỗ lực tái thiết sẽ được đẩy mạnh và tác động ngắn hạn đối với các nền kinh tế đang phát triển Đông Á sẽ rất giới hạn”.
So với trận động đất Kobe 1995, thảm họa lần này tuy hội tụ nhiều tai nạn cùng lúc - động đất, sóng thần, hạt nhân, ô nhiễm thực phẩm và nguồn nước - nhưng tác hại cho nền kinh tế chưa chắc đã nghiêm trọng hơn do vùng bị tàn phá có dân cư thưa thớt, ít cơ sở công nghiệp chủ chốt, hoạt động kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và đánh cá.
Theo tính toán của Ngân hàng Đầu tư Nomura, ba tỉnh bị thiệt hại nặng nhất - Miyagi, Fukushima và Iwate - chỉ chiếm 3,6% tổng sản lượng của Nhật; nếu tính cả ba tỉnh có mức thiệt hại nhẹ hơn là Nagano, Ibaraki và Niigata thì toàn vùng thiệt hại đóng góp khoảng 10,8% GDP. Từ đó, Nomura cho rằng, mức sụt giảm GDP của Nhật sẽ vào khoảng 0,25 - 0,5 điểm phần trăm trong quí đầu, khoảng 0,5-1 điểm phần trăm trong quí kế tiếp và trở lại bình thường vào cuối năm nay. Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs dự báo, tổng thiệt hại kinh tế của thảm họa này vào khoảng 16.000 tỉ yen Nhật, tương đương 202 tỉ đô la Mỹ, tương đương 4% GDP [năm 2010, GDP của Nhật là 5.390 tỉ đô la Mỹ].
Nhiều người lo ngại, do Nhật hiện đang bị thâm hụt ngân sách trầm trọng, tỷ lệ nợ công so với GDP cao thứ nhì thế giới (204% GDP) chỉ sau Zimbabwe, nên Chính phủ Nhật khó tìm ra hàng trăm tỉ đô la cho công cuộc tái thiết. Tuy nhiên, thực tế, nợ công của Nhật chủ yếu là nợ trái phiếu phát hành trong nước, các tổ chức nợ lẫn nhau, lãi suất thấp và áp lực trả nợ không lớn.
Hơn nữa, khoản tiền cần cho công cuộc tái thiết - cứ cho là bằng con số thiệt hại - cũng chỉ tương đương 2% số nợ hiện thời, Chính phủ Nhật có thể thu xếp được; chưa kể Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hiện nắm giữ số trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá hơn 882 tỉ đô la. Mở đầu tuần giao dịch chứng khoán sau thảm họa, khi chỉ số chứng khoán Nikkei 225 giảm liên tiếp 16% trong hai ngày (14-15/3), đồng yen Nhật tăng lên mức kỷ lục, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã lập tức bơm ra thị trường 98 tỉ đô la Mỹ và dự tính chi đến 220 tỉ đô la Mỹ để bình ổn giá trị đồng tiền - một động thái cho thấy Nhật không thiếu công cụ để xây dựng lại đất nước.
Thế giới: tác động hạn chế
Tác hại nghiêm trọng nhất đối với các nền kinh tế ngoài Nhật Bản có lẽ là sự gián đoạn nguồn cung cấp hàng hóa, linh kiện và phụ tùng thiết yếu trong các ngành xe hơi và điện tử. Theo số liệu trên báo London Times, Nhật cung cấp khoảng 40% số linh kiện điện tử, 19% sản phẩm bán dẫn, 20% các loại sản phẩm công nghệ khác cho rất nhiều nhà máy ở khắp các châu lục. Do vậy việc gián đoạn nguồn cung cấp linh kiện sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất hàng hóa công nghệ của nhiều nền kinh tế, từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đến tận Mỹ và châu Âu. Trước mắt, do sản lượng giảm, giá cả nhiều mặt hàng điện tử sẽ tăng cao.
Tuy nhiên, đáng chú ý là ngoại trừ ngành điện tử tập trung khá nhiều nhà máy ở vùng bị động đất ở đông bắc đảo Honshu, các ngành khác hầu như vẫn còn nguyên vẹn nhưng sản xuất bị ngưng trệ do tình trạng mất điện và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng. Tình trạng này đang được khắc phục và các công ty xe hơi như Toyota, Nissan đã bắt đầu khôi phục lại sản xuất. Đầu tuần này, Nissan thông báo vận hành lại năm trong sáu nhà máy sản xuất phụ tùng, trừ nhà máy sản xuất động cơ; Toyota đẩy mạnh sản xuất tại bảy nhà máy ngoài vùng thiệt hại để cung ứng phụ tùng cho các nhà máy lắp ráp ở nước ngoài; Sony cũng đã mở cửa lại nhà máy sản xuất pin cho thiết bị điện tử...
Trên bình diện toàn cầu, thảm họa ở Nhật Bản tuy ảnh hưởng không lớn, nhưng do có sự hội tụ với nhiều cuộc khủng hoảng khác ở Trung Đông và châu Phi, nợ công ở châu Âu... nên đã gây ra một làn sóng lo âu, tác động đến thị trường tài chính, thị trường dầu mỏ và nhiều lĩnh vực khác.
Ngay sau khi động đất xảy ra ở Nhật, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm nhẹ vì giới thương nhân cho rằng, nhu cầu dầu của Nhật sẽ giảm do sản xuất công nghiệp bị đình trệ; nhưng khi tai nạn hạt nhân ở nhà máy Fukushima bắt đầu nghiêm trọng, cùng với sự kiện liên quân một số nước tấn công Libya cuối tuần qua, giá dầu đảo chiều tăng mạnh, dầu thô Brent có lúc vượt quá mức 116 đô la Mỹ/thùng. Do tổ hợp điện hạt nhân Fukushima bị sự cố, nhu cầu dầu mỏ nhập khẩu của Nhật Bản tăng thêm nửa triệu thùng mỗi ngày, trong khi nội chiến ở Libya lan rộng khiến cho nguồn cung dầu bị sút giảm. Nỗi lo mất cân bằng cung-cầu đẩy giá lên nhưng theo một số nhà phân tích, tác động cuộc khủng hoảng ở Nhật đến thị trường dầu mỏ không lớn bằng những bất ổn kéo dài và ngày càng nghiêm trọng ở Libya.
Tuy nhiên về lâu dài, giới phân tích cho rằng, giá dầu mỏ sẽ tăng thêm và tăng mạnh vì sự cố ở Nhật đã khiến nhiều quốc gia xem xét lại chương trình điện hạt nhân, hạn chế việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới. Nếu như vậy, thế giới sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Giá dầu tăng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát đang là sức ép ở nhiều nước và đời sống của người dân nghèo sẽ càng thêm khốn khó...

Share/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...